Thế nào 4 bài kệ chữ TRI của Ngài Vĩnh Gia?

Hỏi:

 Thế nào 4 bài kệ chữ TRI của Ngài Vĩnh Gia?

Đáp:

 Bốn bài kệ chữ “tri” của Ngài Huyền Giác Vĩnh Gia đại sư dùng cánh tay để thí dụ vô duyên tri của Phật tánh, cũng gọi là Chánh Biến Tri, cũng là Trí Bát Nhã. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Tri kiến lập tri, tức vô minh bổn”. Nay Ngài Vĩnh Gia dùng cánh tay để thí dụ sự tri chẳng kiến lập, vì có kiến lập thì có nhân duyên đối đãi, chẳng thể gọi là Vô Duyên Tri. Nói “Vô Duyên” là khôngnhân duyên đối đãi.

Bài kệ thứ nhất:

 Nếu dùng Tri tri Tịch,

          Chẳng phải vô duyên tri.

          Như tay cầm Như ý,

          Phi tay chẳng như ý.

 (Chẳng phải tay không cầm như ý)

Nếu kiến lập sở tri, dù sở tritịch lặng, những người tu đến mức độ tịch lặng, cảm thấy thanh thanh tịnh tịnh, tự cho là mức độ cao lắm mà chẳng biết, hễ kiến lập sở tri thì có năng sở đối đãi, chướng ngại sự dụng hoạt bát vạn năng của bản tri (vô duyên tri).

Như tay cầm như ý thì trụ nơi ngoại cảnh, đánh mất sự dụng hoạt bát vạn năng của tay. Tay chẳng cầm cây như ý thì muốn lấy gì cũng được, hễ tay cầm cây như ý rồi thì lấy gì cũng chẳng được vậy.

Bài kệ thứ hai:

Nếu dùng Tri tri Tri,

Chẳng phải vô duyên tri.

Như tay chẳng tác quyền,

Phi tay chẳng tác quyền.

Bài kệ thứ hai là tiến thêm một bước, dù chẳng lập sở tri, nhưng biết mình có năng tri, vẫn là kiến lập sự tri. Có tri thì có bất tri đối đãi, nên chẳng phải vô duyên tri.

Như tay chẳng cầm vật bên ngoài, mà tự tác quyền (tự làm nắm tay), tác quyền rồi (tức là trụ nơi cái tri của tự mình kiến lập) thì mất hết sự dụng hoạt bát vạn năng của tay, nên chẳng cầm được đồ vật nào cả.

Bài kệ thứ ba:

Chẳng dùng Tri tri tịch,

Cũng chẳng tự tri tri.

Chẳng phải là vô tri,

tự tánh rõ ràng,

Chẳng đồng như gỗ đá.

Vậy chẳng biết ngoại cảnh, cũng chẳng tự có biết. Người ta cho như thế là lọt vào vô tri như gỗ đá chẳng biết gì cả, nên có bài kệ thứ ba: Vì tự tánh rõ ràng, chẳng đồng như gỗ đá. Thế thì làm sao chứng minh được?

Bài kệ thứ tư:

Tay chẳng cầm như ý,

Cũng chẳng tự tác quyền,

Chẳng phải là không tay,

Vì tay vẫn an nhiên,

Chẳng đồng như sừng thỏ.

 Dùng cánh tay để chứng tỏ: Như tay chẳng cầm vật ngoài, cũng chẳng tự tác quyền, chẳng phải là không tay. Vì tay vẫn an nhiên chẳng hề bị mất, nên chẳng đồng như sừng thỏ. Tại sừng thỏ chỉ có tên gọi, mà chẳng có vật thật vậy.

 – Tham thiền là quét sạch năng sở, nếu có năng tri thì thành sở tri ngu, mặc dầu có sở tri cao tột.

 Lấy tịch lặng làm sở tri còn không được, huống là lấy cái vọng làm sở tri!