Thọ Dụng Của Tam Bảo Mà Không Tu Bị Đọa Chín Tầng Địa Ngục?

HỎI: Tôi thường nghe rằng “Thọ dụng của Tam bảokhông tu bị đọa chín tầng địa ngục”, vấn đề này phải được hiểu như thế nào? Tôi làm công quả ở chùa thường xuyên nên thường được chư Tăng bồi dưỡng bánh kẹo, trái cây và khi đi làm công việc cho chùa thì có nhận kinh phí đi lại, đổ xăng v.v…

HỎI: Tôi thường nghe rằng “Thọ dụng của Tam bảokhông tu bị đọa chín tầng địa ngục”, vấn đề này phải được hiểu như thế nào? Tôi làm công quả ở chùa thường xuyên nên thường được chư Tăng bồi dưỡng bánh kẹo, trái cây và khi đi làm công việc cho chùa thì có nhận kinh phí đi lại, đổ xăng v.v… Tôi biết tất cả những gì chư Tăng có là của bá tánh thập phương cúng dường Tam bảo. Nếu không nhận quà (bánh, trái) thì sợ phụ lòng tốt của chư vị, có cách nào để từ chối mà chư Tăng vẫn hoan hỷ? Mặt khác, không nhận kinh phí để làm các Phật sự thì tôi không có điều kiện mà nếu nhận thì có bị mắc lỗi “Thọ dụng của Tam bảo…” không(TRẦN GIANG, Sơn Trà, Đà Nẵng; chonhuehuong…@yahoo.com)

ĐÁP: Bạn Trần Giang và chonhuehuong… thân mến!

Quả thật, trong thiền môn thường hay truyền tụng câu “Thọ dụng của Tam bảokhông tu bị đọa chín tầng địa ngục”. Câu này hàm nghĩa sách tấn người tu cố gắng tu hành, vì thọ dụng nhiều mà không tu thì mắc nợ đàn na tín thí. Bởi người tu hầu hết không trực tiếp làm ra của cải vật chất, bốn vật dụng tối thiểu như cơm ăn, áo mặc, chỗ ở, thuốc men cho đến xây chùa, đúc chuông, tạo tượng và các Phật sự nói chung đều nhờ tín thí thập phương ủng hộ, cúng dường. Người Phật tử tận lực phát tâm cúng dường nương tựa vào sự tu tập của chư Tăng để vun bồi phước báo cho bản thân và gia đình. Cho nên, chư Tăng phải thọ dụng vừa đủ và y pháp tu hành thì cả hai (người thọ và người cúng) đều được lợi ích. Ngược lại, thọ dụng quá nhiều mà ít tu thì phước đức ngày càng tổn giảm, chắc chắn mang nợ và bị đọa lạc.

Về một phương diện khác, câu “Thọ dụng của Tam bảokhông tu bị đọa chín tầng địa ngục” còn mang ý răn nhắc chư Tăng sử dụng tài vật của tín thí phải đúng mục đích phụng sự Tam bảo. Nếu người tu nào chi dụng của Tam bảo vào các việc ngoài mục tiêu phụng sự Tam bảo thì đương nhiên phải tội và những người nhận của Tam bảo tiêu xài cá nhân đều tổn phước và bị đọa lạc. Đó là chưa kể đến các hành vi trộm cắp, lừa gạt hoặc bức bách để chiếm dụng tài sản của chùa chiền thì nghiệp báo càng nặng nề hơn. Cho nên từ xưa đến nay, những người có đạo đức đều tôn trọng và bảo vệ tài vật ở những nơi tôn nghiêm như đình chùa miếu mạo, tuyệt không dám xúc phạm. Nếu không ủng hộ được để trùng hưng Tam bảo thì thôi, chứ họ không hề manh tâm mạo phạm hay chiếm đoạt, vì biết chắc rằng những hành vi ấy chỉ chuốc lấy nghiệp chướng nặng nề, không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà cả gia đình khó tránh khỏi tội “bị đọa chín tầng địa ngục”.

Tuy nhiên, trong trường hợp người làm công quả, người đi lễ chùa hoặc khách hành hương tham quan được nhà chùa mời ăn cỗ chay, tặng quà bánh, kinh sách hoặc quà lưu niệm (có giá trị tinh thần) là lộc của chùa, thọ dụng lộc chùa để kết duyên với Tam bảo tu hành là điều tốt. Vẫn biết lộc chùa dù chỉ mang giá trị tinh thần (giá trị vật chất không đáng kể) cũng xuất phát từ tài sản của Tam bảo nhưng vì mục đích hoằng hóa, giúp Phật tử kết duyên Bồ đề quyến thuộc nên đó là Phật sự. Người chi dụng và người thọ dụng trong ý nghĩa thực thi Phật sự thì hoàn toàn đúng Chánh pháp và cả hai đều được phước báo, lợi ích. Do vậy, một người chuyên làm công quả cho chùa như các bạn mà thỉnh thoảng được chư Tăng bồi dưỡng ít bánh trái dùng lấy lộc thì cứ tự nhiên thọ nhận, không có gì phải băn khoăn hay bận tâm cả. Vì các lễ vật như bánh trái xôi oản… do Phật tử mang đến chùa trước cúng Phật, sau cúng chư Tăng và sau cùng là bá tánh thập phương đi chùa cùng hưởng lộc, nếu vẫn chưa hết thì phân phát cho làng xóm xung quanh.

Đối với vấn đề nhận kinh phí để đi làm các Phật sự cho chùa là tất yếu. Người làm công quả đã cúng dường thời gian và công sức của mình cho chùa là quý hóa lắm rồi. Trừ những Phật tử rất giàu có mới bỏ toàn bộ công và của để làm Phật sự, còn lại thì chúng ta cần nhận kinh phí của nhà chùa để làm việc chùa. Điều cần lưu tâm là trong quá trình chi tiêu cho công việc Phật sự mà chư Tăng giao phó cần trung thực, rõ ràng, ghi chép đầy đủ các khoản chi (hóa đơn kèm theo nếu có) để trình lại cho nhà chùa. Thường thì chư Tăng không có thời gian và ít để ý chuyện lặt vặt, nên lâu lâu chư vị gửi chút tiền để những người chuyên làm công quả “đổ xăng và uống nước” là chuyện bình thường, thể hiện sự quan tâm và thương mến của chư Tăng. Các bạn thường ái ngại việc này vì nhận tiền mà không làm việc gì cụ thể cho chùa cả nhưng kỳ thực đó là kinh phí để các bạn làm những việc không tên phải đi lại nhiều bấy lâu nay.

Câu “Thọ dụng của Tam bảokhông tu bị đọa chín tầng địa ngục” là đúng nhưng không phải trường hợp của các bạn đã nêu. Vậy nên, các bạn hãy an tâm thọ dụng lộc chùa và thực thi Phật sự, góp phần trợ duyên cùng chư Tăng phát triển ngôi Tam bảo, hoằng hóa lợi sanh.

Chúc các bạn tinh tấn!

Nguồn: giacngo.vn