Thường-Lạc-Ngã-Tịnh

Thường, Lạc, Ngã, Tịnh là những chữ xuất hiện nhiều trên bức hoành phi ở một số chùa. Tôi nghĩ rằng đấy là một miêu tả về Niết-bàn và khi ta đạt chứng ngộ vào cõi Niết-bàn thì được mãi mãi thường hằng, hạnh phúc, đạt được cái ngã tuyệt đối và sự thanh tịnh tuyệt đối. Tôi thắc mắc: “Phật dạy vô ngã, tu vô ngã, vì sao rốt ráo lại đạt một cái Ngã tuyệt đối thường hằng?” Xin được giải đáp.

Huệ Trang, 163/24/33 Tô Hiến Thành, quận 10, T/P Hồ Chí Minh

Đức Phật dạy rằng: Thế gian này là thường, khổ, vô ngã và bất tịnh (bất tịnh nghĩa là không trong sạch, bị ô nhiễm phiền não). Toàn bộ kinh điển Nguyên thủy và hầu như toàn bộ kinh điển Đại thừa đều triển khai quan điểm ấy, chỉ trừ một số kinh Đại thừa nói về Pháp thân Như Lai, về Niết-bàn… có nói đến một Chân Ngã (Ngã Chân thật) mang tính tuyệt đối, thường hằng như Kinh Đại Bát Niết-bàn (Bắc Tông), Kinh Pháp Hoa, Kinh Vô Lượng Thọ

Thường, Lạc, Ngã, Tịnh được diễn tả nhiều lần trong kinh Đại Bát Niết-bàn, được gọi là bốn đức của Niết-bàn, của Pháp thân Như Lai, khẳng định rằng Niết-bàn, hay Như Lai là thường hằng (thường), tuyệt đối an vui (lạc), không mảy may bị trói buộc (ngã) và tuyệt đối không ô nhiễm phiền não (tịnh). Tuy vậy, kinh này cũng khẳng định Niết-bàn, Như Lai là bất khả tư nghì và giải thích thêm: “Thấy thế gian vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh thì biết là Niết-bàn thoát khỏi bốn điều này”. Niết-bàn không phải là một cõi, mà là trạng thái của Đại Giải thoát, cho nên có thể nói chỉNiết-bànkhông có người nhập Niết-bàn, tức không có cái ngã nào nhập Niết-bàn. Vậy, trong tất cả những gì tuyệt đối là bất tư nghì, Đức Phật cũng tạm dùng ngôn ngữ nhị nguyên của thế gian để tuyên bố Phật, Niết-bàn là Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Mặt khác, cũng chính trong kinh này, Ngài lại dạy: “Niết-bàn có tám điều:

1/ Giải thoát,

2/ Tính lành,

3/ Chẳng thật,

4/ Chẳng chơn,

5/ Vô thường,

6/ Vô lạc,

7/ Vô ngã, và

8/ Vô tịnh.

Điều này xem ra mâu thuẫn với Thường, Lạc, Ngã, Tịnh, nhưng có thể xem đây là thứ biện chứng pháp siêu việt của Phật giáo, vượt hẳn lý luận nhị nguyên. Do đó, Ngã mà chúng ta thắc mắc không phải là Ngã đối lập với Vô ngã.

Thật ra, Ngã chỉ là một tên gọi tạm thời để đả phá cái quan niệm hư vô luận, đoạn diệt luận. Đức Phật dạy rằng ý niệm Niết-bàn chỉ là sự dẫn dụ như xe trâu, xe dê để dụ trẻ con ra khỏi nhà lửa (ngôi nhà đang cháy); như thành quách được hóa hiện cho lữ khách tạm dừng chân, chứ thực ra Niết-bàntuyệt đối an vui nhưng không miêu tả được, chỉ có sự giải thoát tối hậu mới kinh nghiệm được Niết-bàn. Niết-bàn, Phật tính, Pháp thân chỉ là gượng tạm để chỉ một ý hướng tuyệt đối.

Rahula tính được trong Kinh Asamkala của Tương Ưng Bộ có 32 từ đồng nghĩa với Niết-bàn; E. Conze liệt kê 84 từ chỉ về Niết-bàn.

Vậy chúng ta hãy khẳng định rằng Thường, Lạc, Ngã, Tịnh không phải là đối lập nhị nguyên của vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh. Thế gian do vô số điều kiện mà hình thành (duyên sinh), cho nên tất cả đều là vô ngã, vô bản chất. Đức Phật dạy rằng Ngài, với trí tuệ siêu việt, thấy rằng không có nơi nào có sự chấp ngãkhôngkhổ đau. Vậy chúng ta cứ tu vô ngã, thực hiện vô ngã, chắc chắn chúng ta sẽ được an lạc trên bước đường đi đến Giải thoát tối hậu. Khi đã đạt Giải thoát tối hậu thì vấn đề Ngã, Vô ngã sẽ tự tiêu tan.

http://tapchivanhoaphatgiao.com