Trang Phục Của Tu Sĩ Theo Phật Giáo Bắc Tông Và Nam Tông Có Gì Khác Nhau Giữa Người Có Chức Sắc Cao?

Trang phục Phật giáo có nét khác biệt giữa ba hệ phái: Bắc tông, Nam tông và Khất sĩ. Trong Phật giáo Bắc tông cũng có sự khác biệt giữa người mới vào tu và chức sắc cao. Trang phục cho ngày thường và đại lễ cũng có sự khác biệt.

Y là loại cà sa khoác bên ngoài khi làm lễ. Chỉ có tăng sĩ đã thọ Tỳ Kheo giới (250 giới) mới đắp y có điều. Có các loại y ngũ điều, thất điều, cửu điều, 25 điều… Ngũ điều còn gọi là Hạ y. Y này gồm năm miếng vải nối lại là 5 điều. Viền quanh y có nẹp rộng. Y năm điều dùng đắp khi đi đường.

Y thất điều còn gọi y Thượng hay Uất Đa La tăng, gồm bảy mảnh vải ghép lại. Dùng khi lạy Phật, cúng sám hối, tụng kinh, ngồi thiền, tự tứ (tự kiểm điểm mình), Bồ tát (đọc giới luật cho các tỳ kheo thọ giới nghe).

Y cửu điều gồm chín miếng vải ghép lại. Y 25 điều còn gọi Tăng già lê. Y này dùng khi thuyết pháp, truyền giới.

Y màu hồng, nối nhiều miếng vải với nhau, dùng cho các hòa thượng đắp lúc có trai đàn.

Tu sĩ thọ Sa Di giới (mười giới) đắp y mạn (miếng vải nguyên không nối nhiều mảnh), chỉ viền nẹp xung quanh.

Đầu thế k XIX, trụ trì thường mặc áo hậu bá nạp (nhiều mảnh vải đen và trắng nối xen kẽ nhau (các ô vải hình chữ nhật), bên ngoài đắp y hồng, đầu đội mão Hiệp chưởng (khi cúng Phật) hoặc mão Tỳ Lư (khi cúng vong).

Ở vùng đất Nam Bộ, có sự phát triển mạnh mẽ của ứng phú nên các ứng phú sư (thầy cúng đám) trước đây còn có trang phục riêng áo hậu màu xanh ngọc thạch, cổ và tay áo viền đỏ.

Khoảng năm 1945 về sau này có loại áo tăng sĩ mặc khi đi đường, gọi là áo Nhật Bình. Áo có hai lớp, lớp ngoài phía trước có xẻ giữa, dài đến chân, lớp trong phía sau xẻ từ thắt lưng xuống đến chân.

Ni cô và ni sư cũng mặc như tăng sĩ. Hậu (áo bên trong) thường màu lam hoặc nâu, không được màu vàng. Chỉ khi cúng lễ mới đắp y vàng. Trang phục thường ngày là áo vạt khách, cài nút một bên.

Phật tử đến lễ bái tại chính điện thường khoác áo tràng màu xám. Phật tử người Hoa mặc áo tràng màu đen.