Trong Phât Giáo Bắc Tông, Hàng Ngày Người Tu Sĩ Phải Thực Hiện Những Buổi Lễ Cúng Nào

Nghi lễ là một trong những yếu tố quan trọng thể hiện đặc trưng của từng tôn giáo. Cùng với một hệ thống giáo lý riêng biệt, một cơ cấu tổ chức giáo hội đặc thù và một vị giáo chủ sáng lập, hình thành nên trong từng tôn giáo những nét riêng để truyền bá xuống từng tín đồ.

Trong ngôi chùa Phật giáo Bắc tông, tu sĩ thực hành bốn lần cúng trong ngày, căn cứ theo “Luật Thiền đường” đã có từ Trung Quốc, do các vị tổ truyền sang, trước kia tính theo giờ Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu. Thời gian tuy có quy định, nhưng từng chùa cũng có thể định ra thời gian có khác hơn một chút, thông thường là buổi sáng vào lúc 4 giờ, buổi trưa vào 10 giờ 30, buổi chiều lúc 16 giờ và buổi tối lúc 19 giờ.

Trong buổi lễ cúng sáng, còn gọi công phu khuya, tu sĩ thường tán tụng công đức thầy tổ, hai lần một tháng, tu sĩ thực hành lễ chúc tán này. Lễ bố tát cũng diễn ra hai lần trong tháng vào thời điểm cúng công phu khuya, tăng ni xem xét lại những hành động trong thời gian qua của mình, xem có phạm giới luật nào không, nếu có phải sám hối, tự kiểm trước các tăng sĩ. Cúng ngọ thường tiến hành lúc trưa, tu sĩ đọc kinh, dâng nước và cơm trên các bàn thờ trong chùa.

Công phu chiều còn gọi cúng mông sơn thí thực. Đây là lễ cúng dành cho những linh hồn không nơi nương tựa, không người cúng kiến. Tu sĩ đọc kinh cầu siêu. Lễ cúng Mông sơn thí thực thường cúng gạo, muối, nước… trên bàn thờ Thập loại cô hồn.

Cúng Tịnh Độ, diễn ra vào buổi tối. Có chùa, trong lễ cúng này ngoài tu sĩ, còn có sự tham dự của Phật tử. Các loại kinh đọc tụng thường xuyên như: Diệu Pháp Liên Hoa kinh, Đại Bát Niết Bàn, Lương Hoàng Sám, Địa Tạng

Nghi lễ cúng thường đi đôi với trang phục. Ở Nam Bộ, trước đây, khi cúng Phật, tu sĩ thường đội mão, gọi là mão hiệp chưởng. Khi cúng Vong, thường đội mão Tỳ lư. Thầy cúng Vong cũng có trang phục riêng, sử dụng một số pháp khí như đẩu, khánh, chuông, mõ…

Ngoài bốn thời cúng trong ngày, có chùa còn cho Phật tử đặt bàn thờ, bài vị của thân nhân quá cố, nên thường xuyên cũng có thêm các buổi cúng thất, cúng 49 ngày, cúng xả tang, làm giỗ… Cũng có ngày chùa tổ chức lễ kỵ giỗ của tổ sư, lễ Vía Phật, bồ tát…

Nhìn chung, đối với người tu sĩ, nghi thức cúng trong ngày rất quan trọng. Tại chùa Giác Lâm còn lưu giữ hai câu đối nổi tiếng, nhằm nhắc nhở tăng sĩ trong chùa siêng năng lễ bái hàng ngày và gìn giữ giới luật nghiêm minh:

Triêu triêu triều, triêu triêu bái, triêu triêu triều bái

Tề tề trai, tề tề giới, tề tề trai giới.

(Cao Phi Hồng dịch: “Nhộn nhàng chầu, nhộn nhàng bái, nhộn nhàng chầu bái. Lặng lẽ trai, lặng lẽ giới, lặng lẽ trai giới.”)