Từ Bi Và Bạo Lực

Trong thành Xá Vệ (xứ Kosala), ai cũng biết Angulimala là một kẻ sát nhân nguy hiểm. Khi nghe tin Angulimala xuất hiện trong thành phố, mọi người đều kinh sợ. Vua Ba Tư Nặc nghĩ rằng đối với Angulimala, phải huy động cả quân đội mới có thể bắt được. Dân chúng xem Angulimala như ác quỉ, khôngtình thương. Tất cả dân chúng trong thành người nào cũng đồng ý là gặp Angulimala thì phải giết, phải tiêu diệt. Chỉ trừ có một người. Người đó nghĩ rằng trong Angulimala vẫn còn có hạt giống thiện. Người đó là đức Thế Tôn. Nhưng chưa ai có khả năng khơi dậy hạt giống đó, cho nên Angulimala chưa có cơ hội để quay đầu trở thành con người tốt.

Angulimala đã giết rất nhiều người. Mỗi khi giết một người, anh ta cắt một ngón tay, rồi xỏ xâu đeo vào cổ. Nghe nói anh ta đã có 99 đốt xương rồi. Anh ta muốn giết thêm một người nữa cho đủ số 100, để có xâu chuỗi nạp cho tà giáo. Chữ ‘mala’ trong danh từ Angulimala có nghĩa là xâu chuỗi. Tên thật của Angulimala là Ahimsaka (Kẻ vô tội).

Một buổi sáng, đức Thế Tôn vào thành, đang bưng bát đi khất thực từng bước thảnh thơi thì nghe có tiếng chân chạy phía sau. Ngài biết rằng Angulimala đang đuổi theo, nhưng vẫn bình thản bước đều.

Đức Thế Tôn không cần phải thi thố phép thần thông. Ngài có niềm tin lớn nơi tình thương và trí tuệ của mình để vượt khỏi những tình trạng khó khăn. Angulimala lớn tiếng gọi:

Tu sĩ kia, đứng lại!

Thế Tôn vẫn tiếp tục đi, không mau hơn, không chậm hơn. Phong độ của Ngài rất an nhiên tự tại. Thấy vậy, Angulimala lớn tiếng hơn:

– Đứng lại! Tu sĩ kia, đứng lại!

Đức Thế Tôn thản nhiên tiếp tục bước đi, vẻ tự tại vô úy. Angulimala chạy mau hơn chỉ trong khoảnh khắc đã đuổi kịp và la lên:

– Tôi bảo ông dừng lại, tại sao không dừng?

Thế Tôn vẫn bước đi, nói với giọng điềm tĩnh:

– Này Angulimala! Ta đã dừng lại từ lâu rồi, chính anh mới là người chưa dừng lại.

Chưa bao giờ nghe một câu nói kỳ lạ như vậy, Angulimala ngạc nhiên hỏi:

– Ông nói sao? Ông đang đi rõ ràng mà tại sao nói ông đã dừng lại?

Đức Thế Tôn từ tốn nói:

– Này Angulimala, trên con đường tạo tác những ác nghiệp thì ta đã dừng lại từ nhiều kiếp rồi. Còn anh, anh vẫn còn đang tiếp tục, anh nên dừng lại!

Lúc đó đức Thế Tôn đứng lại. Angulimala cũng đứng lại. Đức Thế Tôn nhìn thẳng vào Angulimala mà nói:

– Anh biết không, ở đời ai cũng sợ đau khổ, ai cũng muốn sống, ai cũng sợ chết. Mình phải biết thương người!

Angulimala la lên:

– Trên đời này có ai thương tôi đâu, mà bảo tôi thương họ? Loài người là loài độc ác nhất ở trên đời, tôi muốn tiêu diệt hết loài người cho hả dạ tôi.

Đức Thế Tôn nói:

– Này Angulimala, tôi biết anh đã chịu nhiều đau khổ. Cuộc đời đã bạc đãi anh, người ta đã không tử tế với anh, đã làm khổ anh. Anh đâm ra hận thù cuộc đời! Nhưng anh nên biết: hận thù chỉ làm cho mọi người thêm khổ đau, chỉtình thương mới đem lại hạnh phúc cho đời mà thôi.

Angulimala la lớn:

Tình thương hả? Ai là người có tình thương, ông chỉ cho tôi coi?

Đức Thế Tôn vẫn dịu dàng:

– Anh đã từng gặp vị tỳ kheo hay tỳ kheo ni nào chưa? Các vị đó không những tôn trọng sinh mạng của con người, họ còn tôn trọng sự sống của loài vật. Họ tôn trọng các loài cỏ cây và đất đá nữa.

Nếu anh gặp được họ, anh sẽ thấy rằng tình thương là cái gì có thật. Khi có tình thương trong lòng, người ta không còn đau khổ nữa.

Hận thù là một khối lửa đốt cháy con người, đốt cháy thế gian. Anh nên quay đầu lại, từ khước bạo lực, trở về với con đường cảm thông và yêu thương.

Những lời nói của Thế Tôn tràn đầy từ bi, phát xuất từ trái tim. Angulimala là một con người thông minh nhưng bị hận thù che lấp. Nghiệp thiện ngày xưa của Angulimala tác động vào tư tưởng, và anh ta biết rằng mình đang đứng trước mặt Đức Phật Thích Ca. Ngài đã vì lòng thương xót mà đến cứu anh ra khỏi vòng tội lỗi.

Anh ta vứt gươm xuống đất, xin Đức Phật cho được xuất gia. Đức Phật chỉ nói một câu đơn giản: – “Ehi! Bikkhu” (Hãy đến! Tỳ kheo).

Thế nhưng, mặc dù xuất gia, tinh thần của Tỳ kheo Angulimala vẫn không được yên ổn. Thường xuyên, ông bị ám ảnh bởi tiếng kêu khóc của những người bị ông sát hại. Có hôm, đi khất thực, ông bị quần chúng đuổi đánh, ném đá, ông trở về tu viện, lỗ đầu, chảy máu.

Đức Phật giải thích cho biết, đó là Angulimala trả nợ nghiệp ác cũ của mình. Sau này, Angulimala tu chứng thánh quả A la hán.

Chúng ta thấy câu chuyện Angulimala gặp đức Thế Tôn là một cuộc đấu gươm rất ngoạn mục. Angulimala có thanh gươm của bạo lực và hận thù. Đức Thế Tôn có thanh gươm của từ bitrí tuệ. []

SUY NGẪM

Tu theo đạo Phật cốt tủy là tu tâm dưỡng tánh, dừng nghiệp và chuyển nghiệp. Ngược lại, nhiều người tại gia cũng như xuất gia ưa chuộng hình tướng bên ngoài, bày vẽ các nghi lễ, cách trang phục rườm rà, phức tạp, thích nghe và truyền bá các chuyện linh thiêng, huyền bí, mê tín, huyễn hoặc, như hoa mạn đà la, hào quang chiếu sáng trên nóc chùa, trên tượng lộ thiên, thường ngày không lo tu tập.

Tu theo đạo Phật cốt tủy là nổ lực chuyển hóa tâm niệm bất thiện, thành tâm niệm thiện lành, chuyển hóa tam nghiệp thân, miệng, ý hằng thanh tịnh. Tam nghiệp hằng thanh tịnh, đồng Phật vãng tây phương. Không cần phải mong cầu. Không cần phải van xin. Đạo Phật rất thực tế. Ai ăn nấy no, ai tu nấy chứng. Con người phải nổ lực tự tu, tu tâm dưỡng tánh, dừng nghiệp và chuyển nghiệp, trong suốt đời sống hàng ngày, để trưởng dưỡng từ bi & trí tuệ và đạt được thành tựu tốt đẹp, hoàn mãn

TK THÍCH CHÂN TUỆ