Ba Hoặc

● Tam Hoặc: “Hoặc” nghĩa là mê lầm, là một tên gọi khác của phiền não, cũng gọi là cấu, kết,hay lậu. Hoặc có 3 loại:

1) Kiến tư hoặc: Thấy biết sai lầm gọi là “kiến hoặc”, như thân kiến, biên kiến, tà kiến v.v… Đối trước mọi sự vật ở thế gian, do tâm tham, sân, si v.v… mà khởi lên các vọng tình, gọi là “tư hoặc”.Trừ hết kiến tư hoặc này thì giải thoát ba cõi, hàng Thanh-văn, Duyên-giác coi đó là niết-bàn. Hàng Bồ-tát cũng đoạn trừ hết nhưng không coi đó là niết-bàn, mà còn tiến xa hơn nữa. Vì cả ba thừa cùng tu tập đoạn trừ, nên kiến tư hoặc được gọi là “thông hoặc”.

2) Trần sa hoặc: là các chướng ngại của hàng Bồ-tát trong việc giáo hóa độ sinh, nên cũng được gọi là “hóa đạo chướng”. Bồ-tát giáo hóa độ sinh tất phải tinh thông vô lượng pháp môn, nhiều như cát bụi. Nhưng Bồ-tát trí tuệ còn yếu kém, phải trải qua kiếp số lâu dài mới học tập thông đạt vô lượng pháp môn, công việc hóa độ mới được tự tại vô ngại; đó là “trần sa hoặc”. Loại hoặc này chỉ riêng có ở hàng Bồ-tát, nên được gọi là “biệt hoặc”.

3) Vô minh hoặc: là loại hoặc ngăn che lí thực tướng của trung đạo, cho nên cũng gọi là “chướng trung đạo hoặc”.Loại hoặc này là căn bản vô minh, vô cùng thâm sâu vi tế, chỉ có Bồ-tát ở bậc Đẳng-giác mới đoạn trừ, đoạn xong thì tiến lên bậc Diệu-giác, thành Phật. Đây cũng là loại “biệt hoặc”.

Trong các kinh luận, khi nói đến “ba hoặc” là chỉ cho 3 loại hoặc trên đây, tức kiến tư hoặc, trần sa hoặc và vô minh hoặc. Riêng ở đoạn kinh này, vì đức Phật chỉ dạy, nhấn mạnh về 3 nghiệp sát, đạo, dâm, nên từ “ba hoặc”ở đây có thể hiểu là ba ác nghiệp sát, đạo, dâm; vì mê lầm không biết rõ sát đạo dâm chính là gốc rễ của luân hồi, nên gọi là “hoặc”.

This entry was posted in . Bookmark the permalink.