Ba Tạng

● Tam tạng : chỉ Kinh tạng (những kinh điển do Phật hoặc đệ tử Phật thuyết dạy), Luật tạng (những giới luật do đức Phật chế định) và Luận tạng (những luận giảng do đức Phật, chư vị Tổ sư, Luận sư… giảng rộng các vấn đề được đề cập trong Kinh điển.). Các hành giả trong cả ba thừa , từ khi tu hành cho đến lúc thành Phật, đều y cứ nơi Phật pháp mà làm khuôn mẫu. Tất cả các pháp  ở ngoài Phật pháp đều không đủ để nương tựa. Trước và sau khi thành Phật, hành giả cũng lại lấy Phật pháp mà cứu độ chúng sinh; chư Phật trong ba đời  cũng đều như vậy. Tựu trung, vì cả tự độ và độ tha đều không xa rời Phật pháp, cho nên nó đã được liệt vào một trong Ba Ngôi Báu .

Phật là bậc phước tuệ đầy đủ, đại giác đã trọn, từ cái thân ứng hóa  do Ngài thị hiện, nói ra lời là thành kinh điển, nhấc chân lên là thành Phật pháp , làm qui củ mực thước cho những người tu đạo xuất thế  về sau trong thiên hạ. Ở đây, nếu nói một cách cụ thể, toàn bộ ba tạng Kinh, Luật, Luận đều là Phật pháp; nếu nói một cách cục bộ thì một câu kinh, một bài kệ  đều hàm chứa diệu dụng, ví như đống san hô gẫy, từng mẩu từng đoạn thảy đều là quí báu. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, khi còn tu tập hạnh Bồ-tát ở một kiếp xa xưa, đã từng không tiếc tính mạng để chỉ cầu được nghe nửa bài kệ ; tuy chỉ có tám chữ, nhưng giá trị của nửa bài kệ ấy cũng có thể suy lường được.

Tạng Tu-đa-la  tức là tạng Kinh, là những kinh văn do Phật nói; tạng Tì-nại-da  tức là tạng Luật, là những giới luật do Phật chế; tạng A-tì-đạt-ma  tức là tạng Luận, là những luận thuyết do đệ tử Phật soạn ra. Cả ba tạng này đều có phân ra tiểu và đại thừa; nội dung được trình bày như sau:

Tiểu thừa: – Tạng KINH: bốn bộ kinh A Hàm

– Tạng LUẬT: các bộ luật Tứ Phần, Ngũ Phần, và Thập Tụng

– Tạng LUẬN: các bộ luận Lục Túc, Phát Trí v.v…

Đại thừa: – Tạng KINH: các bộ kinh như Hoa Nghiêm v.v…

– Tạng LUẬT: các kinh Phạm Võng v.v…

– Tạng LUẬN: các bộ luận như Du Già Sư Địa v.v…

Khi đức Phật còn tại thế, những lời Ngài nói ra tức là Pháp bảo. Sau khi Phật diệt độ , người đời sau đã từng đem ba tạng Kinh, Luật, Luận nguyên thỉ, cùng những trước tác của các bậc hiền  trải bao đời, tom góp, sắp xếp, làm thành các kinh điển hoàn chỉnh, gọi chung là “Nhất Thiết Kinh”, hay “Đại Tạng Kinh”, hoặc “Tạng Kinh”. Số lượng kinh quyển của nó, kể từ lúc khởi đầu vào thời nhà Tiêu Lương  là 5.400 quyển, đến ngày nay đã tăng lên đến 8.416 quyển ; có thể nói đó là một tập đại thành  của Phật pháp vậy.

This entry was posted in . Bookmark the permalink.