Chân Đế

● (Paramārtha, 499-569), còn được dịch âm là Ba La Mạt Đà. Sư là một trong bốn vị thánh tăng được xưng tụng là “tứ đại dịch giả” của Hán Truyền Phật giáo (ba vị kia là Cưu Ma La Thập, Bất Không, Huyền Trang). Sư vốn là người xứ Ưu Thiền Ni ở Thiên Trúc, tu tập chủ yếu theo truyền thống Du Già Hành Phái (tức Duy Thức), được coi là vị học giả có uy tín nhất thời đó về Vô Tướng Duy Thức.

Ngài theo đường biển từ Phù Nam (một vùng đất cổ ở phía Nam vùng Thủy Chân Lạp, tức Nam Việt Nam) đến Trung Quốc vào năm Thái Thanh thứ hai (548) thời Lương Vũ Đế. Khi Ngài đến kinh đô Kiến Nghiệp thì gặp loạn Hầu Cảnh làm phản Lương Vũ Đế nên phải lánh sang đất Tô Hàng, khởi sự Dịch Kinh nơi đó. Ngài dịch tất cả 76 bộ kinh, tổng cộng 315 quyển, trong đó nổi tiếng nhất là các bộ Nhiếp Đại Thừa Luận, Câu Xá Luận, Kim Thất Thập Luận… Do vùng Hoa Nam loạn lạc liên miên, Ngài khó thể an trụ, lại không có đạo tràng Dịch Kinh được triều đình bảo trợ như các vị La Thập, Huyền Trang, Bất Không, nên sức dịch thuật và nghị lực của Ngài thật đáng khâm phục. Năm 562 cảm ngộ Hoa Nam không phải là vùng đất hoằng pháp thuận lợi, Ngài ngồi thuyền trở về Ấn Độ, nhưng lại bị bão đánh giạt trở lại Quảng Châu, được Thứ Sử Âu Dương Ngỗi tha thiết thỉnh cầu, lại được các vị như Trí Khải v.v… quy y (đây là trùng âm đọc, không phải là tổ Trí Khải của tông Thiên Thai), Ngài tiếp tục Dịch Kinh. Ngài vừa dịch thuật vừa giảng dạy không mệt mỏi, lại còn viết chú sớ cho những bộ kinh luận đã dịch và soạn sách như Hoằng Minh Tập, Cao Tăng Truyện v.v… Dưới ảnh hưởng của Sư, các tông phái Nhiếp Luận Tông và Câu Xá Tông được thành lập để chuyên nghiên cứu những bộ luận ấy.

● Chân là nói cái chân thật không hư vọng, đế là vốn có. Chân Đế là để đối lại với tục đế. Ví dụ nói thế gian pháp là tục đế, thì xuất thế gian pháp là chân đế.

This entry was posted in . Bookmark the permalink.