Chánh Niệm

● Chữ “niệm” trong giáo lí đạo Phật có ba ý nghĩa: thời gian ngắn nhất (một sát-na chẳng hạn); một ý nghĩ khởi lên (như vọng niệm); ghi nhớ không quên (như niệm Phật). Trong ba ý nghĩa đó, ý nghĩa thứ ba rất quan trọng trong giáo lí đạo Phật. Theo tông Duy Thức, NIỆM là một trong 51 loại tâm sở; đối tượng của nó có thể xấu hay tốt. Trong 7 nhóm (khoa) của 37 phẩm trợ đạo thì 6 nhóm (tứ niệm xứ, tứ như ý túc, ngũ căn, ngũ lực, thất giác chi, bát chánh đạo) đều có yếu tố “niệm”; và khác với tâm sở niệm (không phân biệt chánh tà) ở trên, các yếu tố “niệm” ở đây đều có nghĩa là CHÁNH NIỆM. “Chánh niệm” là yếu tố quan trọng bậc nhất giúp người tu học Phật đạt được trí tuệ cao tột. Tu tập mà không có chánh niệm thì chỉ uổng phí công phu và thì giờ, vì sẽ không bao giờ thu thập được kết quả gì cả. Chánh niệm có hai ý nghĩa:

  1. Chánh niệm là sự nhớ nghĩ chân chính; trái lại là “tà niệm”, là sự nhớ nghĩ đến những đối tượng xấu ác, không ngay thẳng, không đúng với đạo lí. Một cách cụ thể, có mười đối tượng của chánh niệm:
  2. Nhớ nghĩ đến đức tướng trang nghiêm của Phật (niệm Phật);
  3. Nhớ nghĩ đến giáo lí và các pháp môn tu tập do Phật dạy (niệm pháp);
  4. Nhớ nghĩ đến đức hòa hợp của mười phương tăng chúng (niệm tăng);
  5. Nhớ nghĩ đến giới luật có công năng ngăn ngừa tội ác để thành tựu đạo nghiệp (niệm giới);
  6. Nhớ nghĩ đến công đức buông bỏ và bố thí có công năng tiêu trừ lòng tham lam keo kiệt, làm lợi ích cho mọi người mà lòng không mong cầu đền ơn (niệm thí);
  7. Nhớ nghĩ đến những phúc lạc mà chư thiên hưởng được nhờ tu tập thiện nghiệp để tự khích lệ cho chính mình cũng siêng năng tu tập mọi hạnh lành (niệm thiên);
  8. Nhớ nghĩ đến những nơi vắng lặng, yên tĩnh, nhờ cư trú ở những nơi đó mà xa lìa được các duyên lăng xăng phiền lụy, dứt được các sự lo âu, dễ dàng hơn cho việc tu tập (niệm hưu tức);
  9. Nhớ nghĩ đến hơi thở, đếm số hơi thở ra, hơi thở vào, biết rõ hơi thở dài, hơi thở ngắn, hơi thở nặng, hơi thở nhẹ, nhờ đó mà diệt trừ các vọng tưởng, tâm được định tĩnh, không tán loạn (niệm an bang);
  10. Nhớ nghĩ đến thân thể là do các duyên giả hợp cấu thành, tất cả các bộ phận lớn, nhỏ, trong, ngoài, đều không chắc thật, thường hằng (niệm thân);
  11. Nhớ nghĩ đến đời người chỉ là mộng huyễn, không bao lâu nữa sẽ tàn hoại, tử vông (niệm tử).
  12. Chánh niệm cũng có nghĩa là sự tỉnh thức thường xuyên của tâm ý. Lúc không có chánh niệm thì gọi là “thất niệm” (tức là sự lãng quên, mê đắm, mất chánh niệm). Có chánh niệm tức là tâm ý tỉnh thức, luôn luôn cảnh giác, biết rõ mình đang làm gì, đang suy nghĩ gì, đang nói năng gì, đang ở chỗ nào, sự việc gì đang xảy ra chung quanh mình, v.v… Người tu học Phật nên giữ cho mình có chánh niệm như vậy; vì nhờ đó mà tâm ý trở nên định tĩnh, sáng suốt, biết điều gì trái, điều gì phải, điều gì nên nói, điều gì không nên nói, ý tưởng nào có tính xây dựng, ý tưởng nào có tính phá hoại, v.v… Có càng nhiều những giờ phút chánh niệm thì càng tiến bộ trên đường tu tập. Nếu giữ chánh niệm cho được thường xuyên thì tránh được tất cả những điều bất thiện.

Ngoài ra, theo pháp môn tu Tịnh Độ, “chánh niệm” còn có nghĩa là “nhất tâm niệm Phật”, tức là tâm chuyên nhất (không tán loạn) niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà để cầu vãng sinh về thế giới Cựclạc. Chánh niệm ở đây phải gồm đủ ba phương diện: quán niệm (quán tưởng đức Phật A Di Đà và thế giới Cực-lạc); khẩu niệm (niệm ra tiếng danh hiệu Phật A Di Đà); tâm niệm (niệm danh hiệu Phật trong tâm, không ra tiếng)

Kinh Di Giáo: “Thế nên các thầy hãy luôn luôn tập trung chánh niệm lại nơi tâm trí. Mất chánh niệm là mất công đức. Nếu chánh niệm có năng lực vững mạnh, thì dẫu phải vào trong đám giặc ngũ dục cũng không bị chúng sát hại; tựa như tướng sĩ lâm trận mà mặc áo giáp lát đồng thì không còn sợ hãi gì nữa”.

This entry was posted in . Bookmark the permalink.