Cưu Ma La Thập

● (鳩磨羅什,Kumarajiva, 344-413): Dịch nghĩa là Đồng Thọ, nghĩa là ở tuổi nhi đồng mà có cái đức của người cao tuổi, gọi tắt là La Thập, người nước Qui-tư (Kucha, nay là địa khu Sớ-lặc của tỉnh Tân-cương, phía Nam dãy núi Thiên-sơn), là một trong bốn vị cao tăng dịch kinh nổi tiếng nhất ở Trung-quốc, sống vào đời Đông Tấn.

Thân phụ ngài là người Thiên-trúc, cưới em gái của vua nước Qui-tư, sinh ra ngài.Song thân ngài đều xuất gia, đầy đủ đức hạnh. Ngài tuổi nhỏ đã thông minh mẫn tuệ, 7 tuổi theo mẹ xuất gia, sang Thiên-trúc tham học với khắp các bậc tôn túc. Lúc đầu ngài theo học tiểu thừa, sau chuyển sang đại thừa. Ngài nghe nhiều nhớ giỏi, mới 11 tuổi đã ngang nhiên đối luận với các danh gia ngoại đạo mà không chịu thua kém một ai, danh tiếng vang khắp Ngũ-Trúc, người đương thời gọi là thần đồng. Năm 20 tuổi ngài trở về Qui-tư, thọ giới cụ túc, được quốc vương nước ấy thờ làm thầy. Đức hạnh của ngài được đồn đãi đến Trung-quốc. Vua nhà Tiền-Tần là Phù Kiên nghe danh ngài, liền sai tướng Lữ Quang đem quân tiến đánh Qui-tư (năm 383) để rước ngài về Trường-an. Lữ Quang đánh thắng Qui-tư và rước được ngài La Thập, nhưng khi về đến nửa đường thì được tin nhà Tiền-Tần đã bị diệt, nhà Hậu-Tần thay thế. Lữ Quang bèn không về Tần, mà dừng lại ở Lương-châu (tỉnh Cam-túc ngày nay), tự xưng vương (năm 386), đóng đô ở Cô-tàng (cũng gọi là Hà-tây, nay là phố Vũ-uy, Cam-túc), đặt tên nước là Lương (sử gọi là Hậu-Lương, 386-403). Thế là ngài La Thập cũng phải ở lại Cô-tàng với Lữ Quang. Sau đó, vua Hậu-Tần là Diêu Hưng (394-416) sai tướng Diêu Thạc Đức đem quân đánh Hậu-Lương và rước được ngài La Thập về Trường-an – đó là năm 401, và như vậy, ngài La Thập đã ở lại Cô-tàng đến 15 năm. Tại Trường-an, ngài được Diêu Hưng rất mực kính trọng. Ông tôn ngài làm quốc sư, cúng dường cho ngài gác Tây-minh và vườn Tiêu-dao để làm đạo tràng phiên dịch kinh điển. Ngài trú tại đây suốt 12 năm; đến năm 413 ngài thị tịch, thế thọ 70 tuổi.

Ngài Cưu Ma La Thập cùng với ngài Huyền Trang ở đời Đường sau này, đã được coi là hai vị thánh tăng dịch kinh vĩ đại, không những của riêng Trung-quốc mà của lịch sử Phật giáo nói chung. Tổng số kinh luận mà ngài La Thập đã dịch, các sách kinh lục liệt kê không giống nhau: Theo Xuất Tam Tạng Kí Tập, ngài đã dịch cả thảy 35 bộ, gồm 294 quyển; theo Lịch Đại Tam Bảo Kỉ, ngài đã dịch được 97 bộ, gồm 425 quyển; theo Khai Nguyên Thích Giáo Lục, ngài đã dịch được 74 bộ, gồm 384 quyển. Các dịch phẩm của ngài, hầu hết là kinh luận đại thừa, trong đó có những bộ chính yếu như: Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Kinh, Tiểu Phẩm Bát Nhã Ba La mật Kinh, Kim Cương Bát Nhã Ba La mật Kinh, Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh, A Di Đà Kinh, Di Lặc Thành Phật Kinh, Tọa Thiền Tam Muội Kinh, Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội Kinh, Phạm Võng Kinh, Thập Tụng Luật, Thập Trụ Tì Bà Sa Luận, Đại Trí Độ Luận, Thành Thật Luận, Trung Luận, Thập Nhị Môn Luận, Bách Luận, v.v… Các bộ luận kể trên đều là những bộ luận đại thừa được phiên dịch lần đầu tiên tại Trung-quốc. Các bộ kinh Bát Nhã, Pháp Hoa, A Di Đà, v.v… đã có ảnh hưởng lớn lao tới các tông phái Phật giáo ở đời sau (như các tông Tam Luận, Thiên Thai, Thành Thật, Tịnh Độ, và các học phái như Tứ Luận, Bồ Tát Thiền, tín ngưỡng Di Lặc v.v…). Bởi vậy, các dịch phẩm của ngài đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong lịch sử phát triển của Phật giáo Trung-quốc nói riêng, và của toàn vùng Đông Nam Á nói chung.

Lại nữa, đạo tràng dịch kinh của ngài Cưu Ma La Thập, không phải chỉ là nơi chuyên việc dịch kinh, mà còn là một trung tâm giảng thuyết và giáo dục Phật giáo. Bởi vậy, nơi đạo tràng của ngài lúc nào cũng có hàng ngàn môn đồ vân tập tu học; ví dụ: khi ngài dịch kinh Đại Phẩm Bát Nhã, hội trường có 500 người dự học; kinh Duy Ma Cật có 1.200 người; kinh Pháp Hoa có 2.000 người; v.v… Môn đồ của ngài có tất cả hơn 3.000 người, trong số đó có 80 vị được gọi là “đạt nhân”, và 4 vị nổi bật hơn cả, từng được người đương thời xưng là “tứ thánh”, đó là các ngài Tăng Triệu (384-414), Tăng Duệ (?-?), Đạo Sinh (355-434) và Đạo Dung (?-?)

This entry was posted in . Bookmark the permalink.