Đôn Hoàng

● Là tên vùng đất ở cực Tây tỉnh Cam-túc, Nay thuộc thành phố Tửu Tuyền Trung-quốc. Từ thời thượng cổ, vùng đất này là lãnh thổ của tộc Tây-nhung. Vào thời Xuân-thu nó được gọi là Qua-châu. Do ở trong vùng sa mạc, nên đôi khi còn gọi là Sa Châu. Dưới triều đại nhà Tần thời Chiến Quốc, nó là đất của tộc Đại Nhục-chi; đầu nhà Hán, nó là lãnh thổ của người Hồn-da (thuộc tộc Hung-nô, nơi này từng bị quân Hung Nô chiếm lãnh một thời gian dài). Năm 111 tr. TL, dưới triều vua An đế (107-125) thời Đông-Hán, nó được lấy lại bèn đổi chữ viết từ 燉煌 (đồi núi lửa) thành Đôn Hoàng (敦煌), ngụ ý cầu chúc thịnh vượng dài lâu.Năm 335, dưới triều vua Thành đế (326-342) thời Đông-Tấn, nó được đổi thành Sa-châu; về sau, nhà Tây-Lương (420-421, một trong 16 nước thời Đông-Tấn) đã lập kinh đô tại đây; dưới triều vua Thái-vũ đế (424-452) nhà Bắc-Ngụy (386-534) ở thời đại Nam-Bắc-triều (386-589), nó được đổi thành Đôn-hoàng trấn; dưới triều vua Tùy Dạng đế (605-616), nó lại được đổi thành Đôn-hoàng quận.

Thời ngài Huyền Trang, Đôn Hoàng bị dân Thổ Phồn (Tây Tạng) chiếm đóng, mãi đến đời Đường Tuyên Tông mới chiếm lại Đôn Hoàng. Trải qua các thời đại Đường, Tống, Nguyên, Minh (618-1661), nó nhiều lần được đổi thành các tên: Qua-châu, Tây-sa-châu, Đôn hoàng, Sa-châu. Từ đời vua Càn Long (1736-1795) nhà Thanh trở đi, nó được gọi là Đôn-hoàng huyện.

Từ cổ đại, vùng đất Đôn-hoàng đã có nhiều giống dân sinh sống, văn hóa phong tục phức tạp. Từ thời đại Hán triều, nó đã trở thành nơi giao lộ quan trọng giữa Trung-quốc và các nước vùng Tây-vực; vì vậy mà nó đã tiếp nhận được Phật giáo và phát triển rất sớm. Các vị cao tăng uất thân từ vùng đất này rất nhiều, mà ngài Trúc Pháp Hộ là một (từng được người đương thời xưng hiệu là Đôn-hoàng Bồ-tát). Đại sư Trúc Pháp Thừa là người đã xây ngôi chùa đầu tiên tại Đôn-hoàng, cũng là người phụ tá đắc lực của ngài Trúc Pháp Hộ trong công tác phiên dịch kinh điển. Các bậc cao tăng như Vu Đạo Thúy (đời Tây-Tấn), Thiền Đạo Khai (thời Đông-Tấn), Pháp Hiển (thời Tiêu-Tề), Đạo Chiêu (thời Bắc-Ngụy), Tuệ Viễn (tức Đôn-hoàng Tuệ Viễn ở thời đại nhà Tùy), v.v… đều xuất thân từ vùng đất này.

Ra khỏi Đôn-hoàng là vùng sa mạc mênh mông, sống chết khó lường, rất nguy hiểm cho các thương nhân, cho nên họ luôn luôn cầu nguyện chư Phật gia hộ; đó là nguyên nhân làm hình thành nền nghệ thuật Đôn-hoàng rất phát đạt về sau này. Đó là một di tích vô cùng quan trọng của Phật giáo Trung quốc, gọi là “Đôn-hoàng thiên Phật động” (cũng gọi là hang Mạc-cao). Khu động đá này nằm ở triền phía Đông núi Minh-sa, cách huyện lị Đôn-hoàng 20 cây số về hướng Đông Nam. Tương truyền, thạch động đã được sa môn Lạc Tổn khởi công khai phá vào năm 366 đời Tiền-Tần; sau đó, các vị như sa môn Pháp Lương, quan thứ sử Kiến Bình công, Đông-dương vương, tướng Lí Quảng, v.v… nối tiếp, hoặc đào hang xây nhà đá, hoặc đục đá làm khám thờ Phật, hoặc tạc tượng trên vách đá, v.v… để hoàn thành công trình vĩ đại đó. Trải qua thời gian, số thạch động mỗi ngày được kiến tạo thêm nhiều, đến hơn ngàn hang. Nhưng rồi gió cát vùi lấp, lại trải qua bao cuộc binh lửa từ thời nhà Tống, rồi quân Hồi giáo dày xéo dưới thời nhà Minh, khiến cho khu thạch động này bị tàn phá rất nhiều; vả lại, từ thời nhà Minh trở đi, đường hàng hải phát triển mạnh, làm cho “con đường tơ lụa” bị phế bỏ, vùng thạch động Đôn-hoàng nhân đó cũng bị bỏ quên, ít ai biết đến. Mãi đến năm 1879, dưới triều vua Quang Tự (1875-1908) nhà Thanh, nhà địa chất học người Hung-gia-lợi, ông L. de Lóczy, thám du đến nơi đây, đã phát hiện khoảng hơn 400 thạch động, bèn công bố cho thế giới biết. Từ đó, Đôn-hoàng thiên Phật động mới được các nhà khảo cổ, quí vị học giả chú ý, tìm đến khai quật, nghiên cứu, làm cho nó trở thành một trong các hang động nổi tiếng hiện nay trên thế giới. Người ta tìm thấy trong các thạch động này rất nhiều sách vở, tài liệu quí giá, bao quát cả các ngành học thuật như tự nhiên, địa lí, lịch sử, xã hội, kinh tế, văn học, mĩ thuật, tôn giáo; nhất là kho kinh sách và tài liệu liên quan đến Phật giáo, các hình tượng Phật, Bồ-tát, La-hán v.v… được chạm vẽ tinh vi, đẹp đẽ trên các vách đá, gây cho người ta có một ấn tượng mạnh mẽ rằng, đây chính là một di tích quí giá của Phật giáo, là nơi chứa đựng một nền mĩ thuật Phật giáo, và là nơi cung cấp nhiều tài liệu quan trọng để nghiên cứu Phật giáo.

This entry was posted in . Bookmark the permalink.