Hán Uyển

● Đồng tiên – Hán-uyển: “Đồng tiên” tức là tượng tiên nhân được đúc bằng đồng; “Hán-uyển” là vườn ngự của vua nhà Hán, ở trong bài này nó được dùng để chỉ cho cung Kiến-chương đời vua Hán Vũ đế (Lưu Triệt, 140-87 tr. TL). Vũ đế là ông vua tài giỏi nhất của nhà Hán. Triều đại của ông thật rực rỡ, uy quyền vững chắc, quốc gia bình trị, kinh tế cường thịnh, binh bị hùng mạnh, bờ cõi mở rộng; nhưng cũng là một ông vua rất mê tín, tin tưởng đạo thần tiên với thuật trường sinh bất tử; đã vậy, ông còn là một ông vua rất xa xỉ, ham xây nhiều cung thất. Năm 104 tr. TL, ông cho xây cung Kiến-chương ở phía Tây của cung Vị-ương (nay là phía Tây huyện Trường-an, tỉnh Thiểm-tây, Trung-quốc). Tại đây ông cho lập Thần-minh đài, cho đúc nhiều tượng tiên nhân bằng đồng với tay bưng khay đồng để hứng sương, dùng vào việc chế thuốc trường sinh; ngày đêm hương khói không bao giờ dứt. Vì sự xa xỉ ấy, cộng thêm việc dùng quân sự chinh phạt hằng năm, làm cho quốc khố ngày càng thiếu hụt; lại trải qua mấy cơn lụt lội, hạn hán kéo dài, dân tình trở nên bi đát, ông bèn tỉnh ngộ, bỏ thói mê tín, dẹp đài Thần-minh, hủy hết tượng tiên nhân, chỉnh đốn phép tắc. Từ đó, cung Kiến-chương trở thành hoang vắng, không còn “đồng tiên”, không còn khói hương nghi ngút ngày đêm như thuở trước. Vậy, giống như câu “Quán Oa về…” ở trên, câu này cũng có ý nói về sự đổi thay vô thường của thế sự

This entry was posted in . Bookmark the permalink.