Kiến Phần

● 見分 e: aspect of seeing; division of seeing; seeing division

Là phần thấy biết, tức là chủ thể nhận thức về một đối tượng. Theo giáo nghĩa của tông Pháp Tướng, tác dụng nhận thức của mỗi tâm vương và tâm sở đều gồm có bốn phần: tướng phần (thường được diễn tả bằng từ ngữ Chiếu Tri, 照知), kiến phần, tự chứng phần, và chứng tự chứng phần.

1) Tướng phần là đối tượng nhận thức, thuật ngữ Duy Thức Học còn gọi là “sở duyên”. Đối tượng của nhận thức gồm tất cả các cảnh cụ thể (như sắc, thanh, hương, v.v…) và trừu tượng (như ảnh tượng, ý tượng, v.v…), luôn luôn có tướng trạng rõ ràng, cho nên được gọi là “tướng phần”.

2) Kiến phần là chủ thể nhận thức, thuật ngữ Duy Thức Học còn gọi là “năng duyên”. Chủ thể nhận thức bao gồm tất cả tám thức tâm vương và 51 tâm sở. Duy Thức Học nói rằng, “nhận thức luôn luôn là nhận thức cái gì”, vì vậy, nếu không có đối tượng thì không có nhận thức, và ngược lại, không có chủ thể nhận thức thì không có đối tượng; cho nên, kiến phần và tướng phần là hai phần không thể tách rời của tác dụng nhận thức.

3) Tự chứng phần (cũng gọi là “tự thể phần”) là phần tự thể thâm sâu của tác dụng nhận thức, tức là, tự nó chứng biết hoạt động nhận thức của chính nó. Khi mắt (kiến phần) thấy (nhận thức) cuốn sách (tướng phần) thì biết rằng mắt thấy cuốn sách (tự chứng phần).

4) Chứng tự chứng phần là phần sâu hơn nữa của tác dụng nhận thức, tức chứng biết một lần nữa về sự chứng biết của tự chứng phần.

Thuyết “bốn phần” của nhận thức này là do luận sư Hộ Pháp (Dharmapala) đề xướng. Có người cho rằng, phần thứ tư của thuyết này (chứng tự chứng phần) là không cần thiết. Xem ra, thuyết “ba phần” (tướng, kiến và tự chứng phần) do luận sư Trần Na (Dinnaga) đề xướng, giản dị mà vẫn đầy đủ

This entry was posted in . Bookmark the permalink.