Kinh Lăng Nghiêm

● (Nh. Ryogon-kyo, Ph. Surangama Sutra). Theo truyền thuyết, bộ kinh Lăng Nghiêm từng là vật quốc bảo của Ấn-độ vào thời cổ. Vào thời đó đã có nhiều đại đức tăng Trung-quốc sang Ấn-độ du học, nhưng đã không ai thấy biết gì về bộ kinh này; ngay như ngài Huyền Trang sang ở Ấn-độ đến 17 năm, cũng chưa từng thấy kinh Lăng Nghiêm. Rồi bao nhiêu đại đức tăng từ Ấn-độ sang Trung-quốc, đã đem theo rất nhiều kinh sách, nhưng bộ kinh ấy thì không có. Sở dĩ như vậy là vì bộ kinh Lăng Nghiêm là vật quốc bảo của Ấn-độ, không những bị cấm mang ra khỏi nước mà còn bị cấm dạy cho các du tăng ngoại quốc đến Ấn-độ tu học. Mãi đến đầu triều đại nhà Đường, khi một vị Phạn tăng lên núi Thiên-thai tham kiến đại sư Trí Khải, nghe đại sư giảng pháp môn “Chỉ Quán”, vị Phạn tăng rất bội phục, nói rằng: “Pháp môn Chỉ Quán do ngài phát minh ra rất gần với giáo nghĩa của kinh Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm ở Ấn-độ!” Từ đó người Trung-quốc mới biết được ở Ấn-độ có một bộ kinh tên là “Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm”. Đại sư Trí Khải rất xúc động khi nghe vị Phạn tăng nói lên điều đó. Ngài muốn được xem tận mắt bộ kinh ấy để xem pháp môn Chỉ Quán của mình giống với lời dạy của đức Phật tới mức nào; hoặc có gì khác nhau? Nhưng thời bấy giờ giao thông không tiện lợi, đường xa diệu vợi, muôn vàn hiểm trở khó khăn, biết làm sao đi thỉnh! Vì lòng quá tha thiết với kinh Lăng Nghiêm, ngài liền xây một cái đài ngay trên núi Thiên-thai, gọi là Bái-kinh đài; mỗi ngày đều hướng về phương Tây lễ lạy, cầu nguyện cho bộ kinh ấy được truyền sang Trung-quốc. Ngài đã lễ lạy như thế cho đến ngày viên tịch, ròng rã 18 năm, không một ngày gián đoạn!

Mãi cho tới năm 705 đời vua Đường Trung-tông, vị Phạn tăng Bát Lạt Mật Đế mới đem kinh Lăng Nghiêm sang đến Trung-quốc. Vì bộ kinh ấy bị cấm truyền ra nước ngoài, nên lúc đó, các trạm gác biên giới kiểm soát rất gắt gao, ngài phải đem lén bộ kinh ấy đi ba lần mới qua lọt biên giới. Hai lần đầu, dù ngài dấu kĩ đến thế nào, các quan viên biên phòng vẫn khám xét ra. Vì là người xuất gia, ngài đã không bị xử phạt, nhưng vẫn bị đuổi về, không cho đi ra khỏi nước. Tuy vậy, ngài vẫn quyết chí đi nữa. Lần này, không còn cách nào khác, ngài bèn chép lại bản kinh Lăng Nghiêm ấy với chữ thật nhỏ, trên những miếng da thật mỏng, cuộn lại, rồi xẻ bắp đùi của chính mình ra, nhét bộ “kinh da” vào trong đó, và may kín lại. Đợi cho đến khi vết thương hoàn toàn lành lặn, ngài lại ra đi. Lần này thì bộ kinh đã không bị khám phá, cho nên ngài đã được phép rời Ấn-độ. Ngài theo đường hàng hải đến Quảng-châu. Sau khi gặp được chư đại đức tăng ở Quảng-châu, ngài mới cho biết là ngài đã mang được bộ kinh Thủ Lăng Nghiêm đến đây. Ai nghe cũng đều vui mừng, vì đó là điều mọi người từng mong đợi đã mấy chục năm nay. Khi được hỏi bộ kinh ở đâu, ngài mới rạch bắp đùi theo vết may cũ, lấy bộ “kinh da” từ trong ấy ra. Máu chảy dầm dề, phải rửa thật sạch sẽ, bấy giờ bộ kinh mới hiện ra tỏ rõ. Sau đó thì bộ kinh đã được phiên dịch ngay tại Quảng-châu. Sau khi bộ kinh này được dịch xong, ngài Bát Lạt Mật Đế đã xuống thuyền trở về Thiên-trúc để chịu tội với vua vì đã trái lệnh vua, tự ý đem kinh Lăng Nghiêm truyền sang Trung-quốc. Đặc biệt, tại dịch trường lúc đó có cư sĩ Phòng Dung (một nhà văn học, nguyên là tể tướng dưới triều nữ hoàng Vũ Tắc Thiên, phạm lỗi, bị giáng cấp xuống làm quan ở Quảng-châu), cũng tham gia vào việc phiên dịch. Vì vậy, về phương diện văn học, trong tất cả các kinh điển Hán dịch, văn từ của kinh Lăng Nghiêm là hay đẹp hơn hết.

Trên đây là tóm lược truyền thuyết về sự xuất hiện của bộ kinh Thủ Lăng Nghiêm tại Trung-quốc, do pháp sư Tịnh Không thuật lại. Nhưng truyền thuyết ấy có vài điểm không phù hợp với thực tế. Thứ nhất là về niên đại. Đại sư Trí Khải ra đời năm 538 và viên tịch năm 597, đó là khoảng thời gian cuối thời đại Nam-Bắc-triều và đầu thời đại nhà Tùy, chứ không phải là thời sơ Đường như pháp sư Tịnh Không đã nói. Thứ đến, bộ kinh Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm này, từ đời Hậu-Tần (384-417) đã từng có một biệt bản, được ngài Cưu Ma La Thập (344-413) dịch với tên kinh là Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội (2 quyển), cũng gọi là Cựu Thủ Lăng Nghiêm Kinh. (Đó là chưa nói tới, theo Xuất Tam Tạng Kí Tập, quyển 7, trước đó, trong hai thế kỉ 2 và 3 TL, bộ kinh này cũng đã từng có các bản biệt dịch của các vị tăng và cư sĩ như Chi Lâu Ca Sấm, Chi Khiêm, Bạch Diên, Trúc Pháp Hộ, Trúc Thúc Lan, Chi Thi Luân, nhưng đều thất truyền.) Chính ngài Pháp Hiển (340?-426?) đã thuộc lòng kinh này, cho nên, theo Cao Tăng Pháp Hiển Truyện (do chính ngài Pháp Hiển soạn), trong thời gian du hành sang Ấn-độ chiêm bái Phật tích (399-414), khi lên đến đỉnh núi Linh-thứu, được đứng tại nơi mà ngày xưa đức Thế Tôn từng sống, từng giảng kinh pháp, ngài đã quá xúc động mà bật khóc, thương mình sinh sau đẻ muộn, không có phước duyên được nghe chính đức Thế Tôn nói kinh Lăng Nghiêm; rồi ngồi ngay trước hang động ngày xưa Phật ngự, ngài tụng kinh Lăng Nghiêm…, cứ như thế, ngài trải qua đêm trên đỉnh núi Thứu.

Điều đó cho thấy, kinh hệ Lăng Nghiêm đã từng được truyền vào Trung-quốc từ cuối thế kỉ thứ 2 TL, chứ không phải đến thời đại ngài Trí Khải (thế kỉ thứ 6) người Trung-quốc mới được nghe đến tên kinh này; và mãi hơn một thế kỉ nữa, đầu thế kỉ thứ 8 (đời vua Đường Trung-tông), bộ kinh này mới xuất hiện lần đầu ở Quảng-châu. Vả lại, bộ kinh Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm (gồm 10 quyển) do ngài Bát Lạt Mật Đế (Pramiti) dịch tại chùa Chế-chỉ ở Quảng-châu vào năm 705, chính là biệt bản của bộ kinh Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội (gồm 2 quyển) mà ngài Cưu Ma La Thập đã dịch từ mấy thế kỉ trước tại kinh đô Trường-an của nhà Hậu-Tần. Lại nữa, theo Khai Nguyên Thích Giáo Lục (quyển 9), bộ kinh Thủ Lăng Nghiêm (10 quyển) này đã do sa môn Hoài Địch (?-?) dịch chung với một vị Phạn tăng (không nói tên là gì) tại Quảng-châu. Về thời gian dịch kinh, bộ kinh lục dẫn ttrên cho biết, năm 706 ngài Hoài Địch được vua Đường Trung-tông (705-710) triệu ra kinh đô Trường-an để cùng với ngài Bồ Đề Lưu Chí dịch kinh Đại Bảo Tích; xong việc, ngài trở về Quảng-châu, gặp vị Phạn tăng mới cùng dịch bộ kinh Lăng Nghiêm này.

This entry was posted in . Bookmark the permalink.