Phạm Hạnh

● 梵 行; C: fànxíng; J: bongyō; S: brahmacarya; P: brahmacariya; cũng được dịch là Tịnh hạnh; Hạnh trong sạch.

Vì Phạm Thiên đoạn trừ dâm dục, cho nên sự xa lìa dâm dục được gọi là “phạm hạnh”. Cuộc đời một người Bà-la-môn được chia làm bốn thời kì, thời kì đầu tiên gọi là “thời kì phạm hạnh”; đó là thời kì mà trong sinh hoạt hằng ngày phải giữ giới bất dâm và chuyên học các kinh điển Phệ Đà và lễ nghi tế tự. Trong Phật giáo, các hành giả tu tập phải giữ không những giới bất dâm mà còn bao nhiêu giới luật khác nữa, cho nên gọi là “phạm hạnh”.

– Hàng cư sĩ tại gia không giữ giới bất dâm (mà chỉ là bất tà dâm) thì không được gọi là phạm hạnh; nhưng nếu họ cũng hành trì hạnh không dâm dục như tăng sĩ thì vẫn được gọi là phạm hạnh.

– Nói rộng ra, các hành giả tu thiền, đạt được đầy đủ tám bước giải thoát (bát giải thoát); tu tập thuần thục tám sự hành trì chân chánh (bát chánh đạo); tu tập trọn vẹn bốn tấm lòng rộng lớn (tứ vô lượng tâm); biết rõ bảy pháp lành (thất thiện pháp); v.v…, đều gọi là “phạm hạnh”. Lại nữa, các vị Bồ-tát không vướng mắc vào hai cực đoan có và không, gọi là trong sạch; đem sự trong sạch ấy mà vận dụng tâm từ bi để cho vui và vớt khổ cho chúng sinh, gọi là “phạm hạnh”

This entry was posted in . Bookmark the permalink.