Pháp Tướng

● Tướng trạng của pháp, các pháp tức các sự vật đều đồng một tánh, nhưng khác tướng. Tướng trạng của các pháp thì do nhân duyên sinh diệt, muôn vàn sai khác, biến chuyển trôi chảy không ngừng; ý nghĩa nội dung của các pháp tùy căn cơ, trình độ hiểu biết, thiên kiến v.v… của mỗi chúng sinh, cho nên không đồng nhất. Có thể nói, “pháp tánh” và “pháp tướng” là hai mặt không thể tách rời của vạn pháp; về mặt bản thể của vạn pháp thì gọi là “pháp tánh”, về mặt hiện tượng của vạn pháp thì gọi là “pháp tướng”.

Người phàm tục chỉ thấy hình tướng mà không thấy thể tánh nên không thể thấy biết các hình tướng ấy đúng như chúng thật có. Bậc tu hành chứng ngộ thấu suốt cả hình tướng và thực tánh các pháp, nên mới có thể rõ biết các tướng của pháp đúng như thật có.

Pháp Tướng của chư Phật không thể nghĩ bàn. Sách Đại Thừa nghĩa chương quyển hai nói : “Tất cả pháp hữu vi vô vi trong thế gian đếu gọi là pháp tướng”. Theo Luận Đại Trí Độ, các pháp 5 uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), 12 Nhập (nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân, ý, sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) và 18 Giới (6 căn, 6 cảnh và 6 thức), nếu lấy con mắt phàm tục (tục nhãn) mà nhìn thì thấy là có; nếu lấy con mắt trí tuệ (tuệ nhãn) mà nhìn thì thấy là không. Chúng sinh vì mê lầm, đối với các pháp trên, tâm khởi chấp trước, thấy có hình tướng, cho nên gọi là “pháp tướng”.

Có ba là Định tướng (Samatha, Tam-ma-đề), Huệ tướng (Vibhasa, Tỳ-bà-xá-na), Xả tướng (Upeksa, Ưu tất xoa). Tu tam pháp tướng tức là tu Định, tu Huệ và tu Xả. Bồ tát tu Tam Pháp Tướng sẽ đắc Vô tướng Niết bàn.

This entry was posted in . Bookmark the permalink.