Quyền Thật

● 權實 : Chữ Quyền và chữ Thật ghép chung gọi là Quyền Thật. “Quyền” và “thật” là hai thuật ngữ Phật học. “Quyền” nghĩa là phương tiện chỉ dùng trong nhất thời, tùy theo từng trường hợp, từng hoàn cảnh, từng đối tượng mà nói năng, hành động, xử sự cho được thích nghi, không cứ phải chấp nê theo một khuôn thức cứng ngắc, nhất định nào cả. “Thật” nghĩa là chân thật, chắc chắn, rốt ráo cùng cực, vĩnh viễn không thay đổi. Từ hai thuật ngữ này, trong Phật học đã phát sinh ra nhiều thuật ngữ liên hệ, như: quyền giáo, thật giáo; quyền trí, thật trí; quyền quả, thật quả; v.v…

Quyền giáo và thật giáo: Tất cả lời dạy của Phật đều là chân thật, do từ kim khẩu của Phật nói ra, nhưng tùy trường hợp, tùy hoàn cảnh, tùy căn cơ của thính chúng mà trong những lời dạy ấy có khi Ngài nói thẳng, chỉ rõ những điều nội chứng của Ngài; như trong các kinh Pháp Hoa, Đại Bát Niết Bàn, Ngài đã nói thẳng cho mọi người biết, tất cả chúng sinh đều vốn sẵn có Phật tánh, tất cả chúng sinh trước sau đều thành Phật. Đó là lời dạy chắc chắn, chân thật, rốt ráo cùng cực, không thay đổi được, cho nên gọi là “thật giáo”. Nhưng, loại giáo lí này đức Phật chỉ nói trước một thính chúng có căn cơ cao siêu, thuần thục, còn những hạng người căn cơ từ bậc trung trở xuống thì không thể tiếp nhận được; vì vậy, đối với những hạng người này, Ngài phải dùng loại giáo lí phương tiện để tùy nghi hướng dẫn, giúp cho họ thăng tiến dần lên từng cấp một, đó gọi là “quyền giáo”. Điển hình của loại giáo lí này là toàn bộ kinh A Hàm.

This entry was posted in . Bookmark the permalink.