Sát Na

● (Khana hoặc ksana), dịch nghĩa là Tu Du (trong khoảnh khắc), Niệm Khoảnh (trong khoảng một niệm), tức là khoảng thời gian để một niệm dấy lên và mất đi, rất ngắn ngủi. Có nhiều cách giải thích chữ này:

1.Theo Câu Xá Luận, quyển 12. Một trăm hai mươi sát na gọi là một Đát Sát Na (tat-ksana), sáu mươi Đát Sát Na là một Lạp Phược (lava), ba mươi Lạp Phược là một Mâu Hô Lật Đà (muhūrta). Ba mươi Mâu Hô Lật Đà là một ngày đêm. Như vậy, Sát Na tương đương khoảng 0.013 giây.

2.Theo Ma Ha Tăng Kỳ Luật, quyển 17, Sát Na còn gọi là Niệm, cứ 20 Niệm là một Thuấn, hai mươi Thuấn là một Đàn Chỉ (khảy ngón tay), 20 Đàn Chỉ là một La Dự (Lạp Phược), hai mươi La Dự là một Tu Du, ba mươi Tu Du là một ngày đêm. Như vậy, một Niệm tương đương với 0.018 giây.

3.Theo Đại Trí Độ Luận, quyển 83, sáu mươi niệm là một Đàn Chỉ.

4.Có thuyết lại cho Niệm là đơn vị lớn hơn Sát Na, như trong Nhân Vương Kinh nói thì chín mươi sát na là một niệm, còn Vãng Sanh Luận lại nói sáu mươi sát na là một niệm.

5.Cũng theo Nhân Vương Kinh (bản dịch của ngài Cưu Ma La Thập) thì một sát na gồm chín trăm lần Sanh Diệt, còn Vãng Sanh Luận Chú lại cho rằng một sát na có một trăm lẻ một lần Sanh Diệt.

Còn nhiều thuyết khác nữa, nhưng đều cùng chia sẻ chung một đặc tínhSát Na cực ngắn ngủi, không thể cảm nhận được bằng giác quan thông thường.

This entry was posted in . Bookmark the permalink.