Tâm Sở

● Là tiếng gọi tắt của tâm sở hữu pháp, là những pháp phụ thuộc vào tâm vương, gồm có 51 pháp Tâm sở (caitasika): nói cho đủ là Tâm sở hữu pháp. Tâm sở là thuộc tính của Tâm vương (Tâm Vương là thuật ngữ trong Duy Thức chỉ bản thể của sáu thức hoặc tám thức, tức là chủ thể của những tác dụng tinh thần). Nói cách khác, Tâm Sở là những tác dụng, những thuộc tính của Tâm Vương. Hay nói thông tục hơn là những tác dụng tinh thần phức tạp – mà triết học Tây phương gọi là những hiện tượng tâm lí. Nói rõ hơn, tâm sở là những tác dụng tinh thần vô cùng phức tạp của tâm, như buồn, vui, giận, ghét, xấu hổ, tin tưởng, v.v… Do sự quan hệ giữa vật và tâm mà khởi lên tác dụng của tâm, đó là tâm sở. Bởi vậy, mối quan hệ tương ưng giữa tâm và tâm sở luôn luôn đồng nhất, mà thuật ngữ Phật học gọi là “bình đẳng”. Theo sự phân tích của Hữu bộ thì mối quan hệ tương ưng ấy có năm nghĩa bình đẳng:

1) Chỗ y cứ bình đẳng (sở y bình đẳng): Tâm vương và tâm sở cùng có một nơi y cứ đồng nhất, ví dụ, khi tâm vương y cứ nơi nhãn căn thì tâm sở cũng y cứ nơi nhãn căn;

2) Cảnh duyên bình đẳng (sở duyên bình đẳng): Tâm vương và tâm sở cùng duyên một đối tượng đồng nhất, ví dụ, khi tâm vương duyên một bông hoa thì tâm sở cũng duyên cùng bông hoa đó;

3) Hành tướng bình đẳng: Hình thái của đối tượng hiển hiện trong tâm và tâm sở đều đồng nhất;

4) Thời gian bình đẳng (thời bình đẳng): Tâm vương và tâm sở luôn luôn khởi tác dụng cùng một lúc;

5) Sự bình đẳng: Khi tâm vương và tâm sở khởi tác dụng thì chỉ có một tâm vương cùng một tâm sở đồng chủng loại khởi tác dụng; không có hai tâm vương hoặc hai tâm sở trở lên phát khởi đồng thời. – Tông Duy Thức (tức Pháp Tướng) chỉ nói tới bốn nghĩa bình đẳng là chỗ y cứ, cảnh duyên, thời gian, và sự việc; không nói tới hành tướng.

Lại nữa, tâm sở hữu pháp cũng còn được gọi là “tâm tương ưng hành pháp”. Vì tâm vương và tâm sở khởi tác dụng cùng lúc, cho nên nói là “tương ưng”; và vì tâm vương và tâm sở đều là pháp hữu vi, cho nên nói là “hành”.

Về số lượng và phân loại tâm sở, Hữu bộ phân tích có cả thảy 46 loại tâm sở (như tham lam, xấu hổ, lười biếng, v.v…), bao gồm trong sáu nhóm:

1) Đại địa pháp (10 tâm sở);

2) Đại thiện địa pháp (10 tâm sở);

3) Đại phiền não địa pháp (6 tâm sở);

4) Đại bất thiện địa pháp (2 tâm sở);

5) Tiểu phiền não địa pháp (10 tâm sở);

6) Bất định địa pháp (8 tâm sở). Trong khi đó, tông Pháp Tướng lại phân tích có tất cả 51 loại tâm sở, cũng bao gồm trong sáu nhóm:

1) Biến hành (5 tâm sở);

2) Biệt cảnh (5 tâm sở);

3) Thiện (11 tâm sở);

4) Căn bản phiền não (6 tâm sở);

5) Tùy phiền não (20 tâm sở);

6) Bất định (4 tâm sở).

Theo Đại Thừa Duy Thức Luận, Tham, Sân, Si là ba Tâm Sở được xếp vào tiểu loại Phiền Não trong sáu loại Tâm Sở

This entry was posted in . Bookmark the permalink.