Vasubandhu

● Thế Thân (Vasubandhu): Trong ba anh em cùng có tên Bà Tẩu Bàn Đậu, thì người anh cả lấy biệt danh là A Tăng Già – tức Vô Trước; người em út lấy biệt danh là Tỉ Lân Trì Bạt Bà; chỉ có người ở giữa là không có biệt danh, mà vẫn dùng tên Bà Tẩu Bàn Đậu – tức Thiên Thân, hay Thế Thân. Bồ-tát Thế Thân, cùng với anh là Bồ-tát Vô Trước, là sáng tổ của phái Du Già Hành của Phật giáo đại thừa Ấn-độ. Buổi đầu, cả ba anh em Bà Tẩu Bàn Đậu đều xuất gia theo Hữu bộ (tiểu thừa). Ngài Tỉ Lân Trì Bạt Bà thì ở hẳn bên Hữu bộ, chứng quả A-la-hán, không có hạnh gì đặc biệt để nói. Ngài Vô Trước thì sớm chuyển hướng sang đại thừa. Trong khi đó, ngài Thế Thân lại đi thẳng vào Kinh Lượng bộ (tiểu thừa, tách ra từ Hữu bộ), lập chí cải thiện giáo nghĩa của Hữu bộ, bèn sang nước Ca-thấp-di-la (Kasmira) để nghiên cứu Tì Bà Sa Luận. Sau bốn năm, ngài trở về bản xứ (tức kinh thành Bố-lộ-sa-bố-la, nước Kiền-đà-la), giảng thuyết luận Tì Bà Sa, và sáng tác A Tì Đạt Ma Câu Xá Luận. Sau đó, khi Bồ-tát Vô Trước trở về quê nhà tĩnh cư, thì ngài chuyển sang nước A-du-xà để hành đạo. Tại đây, không những ngài đã hăng say xiển dương giáo lí tiểu thừa, mà còn cực lực đả kích đại thừa, cho rằng kinh điển đại thừa đã không phải do Phật nói. Về sau, phải nhờ Bồ-tát Vô Trước dùng phương tiện khai thị, ngài mới tỉnh ngộ, chuyển sang tín phụng và hoằng dương giáo pháp đại thừa.

Theo Bà Tẩu Bàn Đậu Pháp Sư Truyện ghi chép, lúc bấy giờ ngài Thế Thân đang hành đạo tại nước A-du-xà, cực lực xiển dương giáo pháp tiểu thừa và hủy báng kinh điển đại thừa. Anh của ngài là Vô Trước (lúc đó đang cư trú ở quê nhà là kinh thành Bố-lộ-sa-bố-la, nước Kiền-đà-la), biết em mình là bậc trí tuệ hơn người, thông hiểu sâu rộng cả giáo nghĩa nội ngoại. Ngài sợ rằng Thế Thân sẽ phải chịu ác báo do tội hủy báng, phá hoại giáo pháp đại thừa, nên đã cho sứ giả sang nước A-du-xà báo tin khẩn cấp cho Thế Thân, rằng ngài đang bị bệnh trầm trọng, Thế Thân hãy về gấp cho ngài được gặp mặt. Được tin báo, Thế Thân tức tốc theo sứ giả trở về nước. Ngài vào phòng thăm anh và hỏi thăm bệnh tình, Bồ-tát Vô Trước nói: “Anh đang bị tâm bệnh rất nặng, là do em gây ra đó!” Ngài sửng sốt hỏi lại: “Vì sao tâm bệnh của anh lại do em gây ra?” Bồ-tát nói: “Em không tin giáo pháp đại thừa, ngày đêm hủy báng. Do ác nghiệp này mà em sẽ vĩnh viễn trầm luân trong ác đạo. Anh vì em mà quá lo lắng, sầu khổ, sợ tính mạng khó toàn!” Thế Thân nghe thế thì sợ sệt vô cùng, tức khắc xin anh giảng cho nghe về giáo nghĩa đại thừa. Bồ-tát Vô Trước liền vì em mà thuyết giảng tóm tắt các yếu nghĩa của giáo pháp đại thừa. Ngài Thế Thân vốn là bậc trí tuệ siêu quần, nên nghe đến đâu là thâm nhập đến đấy, hoàn toàn rỗng suốt, và nhận ra rằng, giáo pháp đại thừa thật sự cao sâu vượt quá giáo pháp tiểu thừa.

Từ đó, ngài tôn anh làm thầy để học hỏi đại thừa. Ngài Vô Trước bèn đem tất cả sở học và sở đắc của mình về giáo pháp đại thừa truyền dạy hết cho em. Càng thâm nhập yếu nghĩa đại thừa, ngài Thế Thân càng ân hận về việc ngày trước mình vì quá si mê mà đã kịch liệt hủy báng đại thừa. Khi lòng ăn năn đã lên đến cao độ, ngài liền đến trước Bồ-tát Vô Trước để bày tỏ lòng sám hối. Để đền tội cũ, ngài nói: “Trước kia em đã dùng cái lưỡi của mình để hủy báng giáo pháp đại thừa, thì hôm nay em phải cắt bỏ cái lưỡi này để tạ tội.” Ngài Vô Trước vội vàng khuyên bảo: “Dù em có cắt cả ngàn cái lưỡi cũng không thể nào diệt được tội cũ; chi bằng, nếu ngày trước em đã dùng cái lưỡi của mình một cách khéo léo trong việc hủy báng đại thừa, thì ngày nay em cũng cứ dùng chính cái lưỡi ấy của mình một cách khéo léo để tuyên dương giáo pháp đại thừa. Được như thế thì tội lỗi ngày xưa chắc chắn sẽ tiêu trừ hết.”

Sau đó thì Bồ-tát Vô Trước viên tịch; và Bồ-tát Thế Thân trở lại A-du-xà để khởi đầu một chương trình mới, thật vĩ đại, chuyên việc xiển dương giáo nghĩa đại thừa. Ngài đã trước tác các bộ luận đại thừa, đặc biệt là về hai môn học Du Già và Duy Thức; chú giải các bộ luận đại thừa đã lưu hành từ trước; và luận giải các kinh điển đại thừa. Tương truyền, khi còn ở tiểu thừa, ngài đã soạn đến 500 bộ luận để tuyên dương giáo nghĩa tiểu thừa và bài xích đại thừa; và sau khi đã qui hướng sang đại thừa, ngài cũng lại soạn đến 500 bộ luận để tuyên dương giáo pháp đại thừa. Vì vậy, người đời đã tôn gọi ngài là vị Thiên Bộ Luận Sư. Tất cả những tác phẩm của ngài, dù thuộc phạm vi tiểu thừa ngày trước, hay thuộc phạm vi đại thừa lúc về sau, văn nghĩa đều tinh diệu; bất cứ ai được thấy được nghe cũng đều tin tưởng và cầu học, đều lấy đó làm điển tịch căn bản cho sự học tập. Chúng nhân thuộc các bộ phái Phật giáo khác, và ngay cả ngoại đạo cũng vậy, không ai nghe danh ngài mà không nể sợ. Ngài viên tịch tại nước A-du-xà năm 80 tuổi.

(Chúng ta có thể thấy được có hai lí do để ngài chọn nước A-du-xà làm căn cứ hành đạo: Trước hết, A-du-xà vào thời đó là trung tâm văn minh của Ấn-độ, lại cũng là trung tâm của Phật giáo đại thừa. – Trước đây, chính ngài Vô Trước cũng từng chọn nước này để mở đạo tràng hành hóa; và Bồ-tát Di Lặc cũng đã truyền thọ kinh luận đại thừa cho ngài Vô Trước tại đây. – Khi còn hăng say với tư tưởng tiểu thừa, ngài phải ở ngay tại đây để trực tiếp đả phá đại thừa. Sau khi từ bỏ tiểu thừa và qui hướng về đại thừa, ngài cũng phải ở ngay tại đây để có môi trường thuận tiện xiển dương đại thừa. Thứ nữa, vua Tân Nhật [Baladitya] của nước A-du-xà, và cả bà thái hậu [mẹ của vua], đều là đệ tử của ngài. Họ cung thỉnh ngài sang ở hẳn tại nước này để luôn được cúng dường, giúp cho việc hành đạo của ngài thành công mĩ mãn. – Có lẽ vì cả hơn nửa đời người ngài sống và hành đạo tại nước A-du-xà, cho nên có người đã nhầm lẫn cho rằng ngài đã được sinh ra tại nước này.)

Những tác phẩm trọng yếu của ngài gồm có: Câu Xá Luận, Nhiếp Đại Thừa Luận Thích, Thập Địa Kinh Luận, Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Kinh Luận, Quảng Bách Luận, Bồ Đề Tâm Luận, Tam Thập Duy Thức Luận Tụng, Đại Thừa Bách Pháp Minh Môn Luận, Vô Lượng Thọ Kinh Luận, v.v…

Nhưng theo sự khảo chứng của một vị học giả phương Tây hiện đại, thì ngài Thế Thân tác giả của Câu Xá Luận và ngài Thế Thân em của Bồ-tát Vô Trước là hai người khác nhau mà trùng tên. Tác giả của Câu Xá Luận được gọi là Tân Thế Thân, là vị luận sư của Hữu bộ; em của Bồ-tát Vô Trước được gọi là Cổ Thế Thân, là vị luận sư của Phái Du Già Hành. Vị học giả này cho rằng, sở dĩ có sự trộn lộn giữa hai nhân vật như trên là do ngài Chân Đế (Paramartha – 499-569), khi dịch sách Bà Tẩu Bàn Đậu Pháp Sư Truyện, đã đem hai người ghép lẫn chung thành một người. Những tài liệu ghi ở phần đầu và phần cuối của truyện “Thế Thân” là thuộc về ngài Cổ Thế Thân; những tài liệu ghi ở phần giữa của truyện “Thế Thân” là thuộc về ngài Tân Thế Thân. Vị học giả ấy đã phân biệt rõ rằng, ngài Cổ Thế Thân sống vào khoảng năm 320-380, là em của ngài Vô Trước, con của quốc sư Kiều Thi Ca ở thành Bố-lộ-sa-bố-la, ban đầu xuất gia theo Hữu bộ, sau chuyển hướng sang đại thừa; trong khi đó, ngài Tân Thế Thân (tác giả của Câu Xá Luận) sống vào khoảng năm 400-480, không rõ quê quán, xuất gia theo Hữu bộ, đồ đệ của ngài Phật Đà Mật Đa La (Buddhamitra, tổ thứ 9 của dòng Phú Pháp Tạng), nhưng sau lại nghiêng về Kinh Lượng bộ, từng được vua Chánh Cần Nhật và thái tử Tân Nhật của nước A-du-xà kính lễ cúng dường.

Lại cũng có một vị nữa tên Thế Thân, họ Tì-xá-khư, người thành Xá-vệ, là tổ thứ 21 của dòng Phú Pháp Tạng. Cha mẹ ngài thuộc hạng giàu có, nhưng không có con, cho nên thường đến các tháp thờ Phật lễ bái cầu con. Một hôm bà mẹ nằm mộng thấy được nuốt hai hạt ngọc, một sáng một tối; khi thức dậy thì biết mình có thai, một tháng sau thì sinh một bé trai (xin xem Cảnh Đức Truyền Đăng Lục, Tạng Đại Chính quyển 51, trang 213), đó chính là tôn giả Thế Thân. Năm 15 tuổi, Thế Thân xuất gia với A-la-hán Quang Độ, rồi thọ giới với Bồ-tát Tì Bà Ha. Ngài tu tập chuyên cần, chỉ ăn một bữa mỗi ngày, chỉ ngồi mà không nằm, mỗi ngày lạy Phật sáu thời, thân tâm thanh tịnh, không hề có dục niệm, rất được đại chúng qui ngưỡng. Vị tổ thứ 20 là Bồ-tát Xà Dạ Đa, thấy ngài có đạo phong như thế, muốn độ cho, bèn đứng trước đại chúng nói lớn: “Ta không cầu đạo, cũng không điên đảo. Ta không lạy Phật, cũng không khinh mạn. Ta không ngồi hoài, cũng không lười biếng. Ta không ăn mỗi ngày một bữa, cũng không ăn tạp. Ta không biết đủ, cũng không tham dục. Tâm không mong cầu gì cả, đó gọi là Đạo.” Ngài Thế Thân vừa nghe mấy lời ấy, liền phát trí tuệ vô lậu. Sau được Bồ-tát Xà Dạ Đa truyền cho y bát, kế thừa Tổ nghiệp. Từ đó ngài chuyên việc hành hóa, độ cho đồ chúng rất đông. Sau đến nước Na-đề (Nadi), truyền pháp cho đệ tử là Ma Nô La (con thứ hai của quốc vương Thường Tự Tại), rồi thị tịch.

This entry was posted in . Bookmark the permalink.