Vườn Nai

● (Lộc-uyển) : nằm cách khoảng 6 cây số về hướng Tây Bắc của kinh thành Ba-la-nại (nay là Varanasi, Ấn-độ) của vương quốc Ca-thi. Theo truyền thuyết, vào thời quá khứ xa xăm, có vị quốc vương từ kinh thành Ba-la-nại đến nơi này săn bắn, đã giăng lưới bắt được cả ngàn con nai. Con nai chúa vì quá thương đàn nai, đã xin nhà vua thả hết đàn nai, rồi mỗi ngày nó sẽ đích thân đem đến dâng cho vua một con nai để làm thức ăn. Nhà vua xúc động, liền cho thả hết bầy nai vừa bắt được. Do đó, khu vườn này có tên là “Lộc-dã-uyển” (hay Lộc-dã-viên, Lộc uyển, Lộc-viên – “lộc” nghĩa là con nai). Hoặc có chỗ nói, trong bầy nai nhà vua bắt được, có một con nai mẹ đang mang thai. Vì quá thương tâm, nai chúa bèn xin nhà vua tha cho con nai đang có thai, rồi tự hủy mình trước nhà vua để chết thế. Quá xúc động trước sự việc xảy ra bất ngờ, nhà vua liền ra lệnh thả hết bầy nai, và ban lệnh dành khu rừng ấy cho nai ở, cấm tất cả mọi người không được tới đó săn bắn. Do đó mà bầy nai được sống thật an bình, và địa phương đó được gọi là vườn Nai. Mặt khác, vào thời quá khứ, đức Phật đã từng là một vị tiên, tên Tối Thắng, thường nói pháp ở khu rừng này, nên nó cũng có tên là “Tiênnhân-luận-xứ”. Lại nữa, dù có Phật ra đời hay không, khu vực này luôn luôn là nơi cư trú dành cho các bậc thần tiên, cho nên nó cũng có tên là “Tiên-nhân-trú-xứ” (hay Tiên-viên, Tiên-uyển). Cũng có thuyết nói rằng, ngày xưa từng có năm trăm vị tiên bay trên không trung, khi bay ngang qua khu rừng này thì thấy có rất nhiều phi tần của vua, lòng dục phát khởi, liền mất hết thần thông và rơi xuống đất, cho nên nó cũng có tên là “Tiên-nhân-đọa-xứ”.

This entry was posted in . Bookmark the permalink.