Tu Tại Gia

Hỏi: Trước đây tôi sống rất phóng túng, tạo nhiều tội lỗi nhưng nhờ duyên lành với Phật pháp nên đã hồi tâm tu tập ở nhà được hơn 2 năm rồi, chuyên trì tụng kinh Nhật tụng và niệm Phật theo pháp môn Tịnh độ. Tuy nhiên tôi chưa quy y hay theo một đạo tràng nào mà chỉ ở nhà tụng kinh, niệm Phật thôi. Xin hỏi quý Báo, cách tu niệm của tôi đã đúng với Chánh pháp chưa? Rất mong được chỉ dẫn. (Lý tấn Phú Vinh, TP.Rạch Giá, Kiên Giang).

Đáp:

Bạn Lý Tấn Phú Vinh thân mến!

Kinh Nhật tụng bao gồm nhiều nghi thức như Tịnh độ, Cầu an, Sám hối… là kinh văn căn bản mà chư Tăng Ni, Phật tử tụng đọc hàng ngày. Bạn mới quy hướng Phật pháp, phát tâm hướng thiện mà đã biết tu tập theo kinh Nhật tụng hàng ngày tại tư gia là điều đáng tán dương. Tuy nhiên, trong phương thức tu tập của bạn hiện nay, theo chúng tôi, nếu bạn cố gắng khắc phục và điều chỉnh một vài vấn đề nữa sẽ đúng với tinh thần Chánh pháp.

Phat.jpg

Bàn thờ Phật tại tư gia củ một Phật tử – Ảnh: Internet

Trước hết, bạn nên tìm đến một ngôi chùa nào đó mà bạn có duyên, hoặc chùa ở gần nhà để xin quý Tăng Ni trụ trì làm lễ quy y Tam bảo. Mặc dù hiện nay tâm của bạn đã quy y, điều này rất cần nhưng chưa đủ, bạn phải đối trước Phật-Pháp-Tăng phát thệ nguyện quy y, chính thức trở thành người Phật tử để được Tam bảo soi sáng và gia hộ cho sự nghiệp tu tập của mình tăng tiến và thành tựu. Tu tậpkhông hoặc chưa quy y là một sự thiệt thòi lớn. Giờ khắc quy y in đậm dấu ấn tỉnh thức cùng với thệ nguyện quay về nương tựa Chánh pháp dưới sự chứng minh của ba ngôi Tam bảo sẽ là hành trang quý báu trong lộ trình tu học cho bạn suốt cả cuộc đời. Sau khi quy y, không nhất thiết bạn phải trở thành Phật tử của ngôi chùa hay vị thầy đã quy y cho bạn mà tất cả chư Tăng Ni đều là thầy của mình, tất cả các chùa hay đạo tràng bạn đều có thể tham gia tu tập.

Mặt khác, nếu điều kiện cho phép thì thỉnh thoảng bạn nên gia nhập đạo tràng hay tham dự các khóa tu để giao lưu, học hỏi với các Phật tử khác, và nhất là được nghe pháp thoại từ chư Tăng Ni hay sự sẻ chia kinh nghiệm tu tập của các đạo hữu để hiểu biết thêm giáo pháp, vững tin tu tập. Tình pháp lữ đồng đạo nếu được xây dựng tốt đẹp sẽ trợ duyên tích cực cho sự tinh tấn tu tập. Tất nhiên sự tu tập hàng ngày ở gia đình vẫn là nền tảng, không phải ai cũng có thuận duyên đến chùa tu tập thường xuyên nhưng việc tu tập trong sự yểm trợ và soi sáng của đoàn thể có tác dụng sách tấn, động viên tu hành hướng thiện rất tích cực.

Bạn nương vào kinh Nhật tụng để tu hành, buổi sáng tụng đọc Nghi thức Công phu khuya, buổi tối tụng đọc Nghi thức Tịnh độ, ngày 14 và 30 âm lịch hàng tháng cần lễ sám theo Nghi thức Sám hối (Hồng danh), ngày mùng 1 và 15 âm lịch hàng tháng tụng đọc Nghi thức Cầu an (kinh Phổ môn). Trong các nghi thức đều có phần tụng sám, lễ bái danh hiệu Phật và nhất là niệm danh hiệu Phật A Di Đà. Chỉ cần trì tụng theo kinh Nhật tụng, thực hành ăn chay, tăng cường công phu niệm Phật càng nhiều càng tốt và duy trì đều đặn các thời khóa một cách miên mật thì bạn đã có một đời sống nội tâm an tịnh và sâu sắc.

Mặt khác, bạn nên sử dụng kinh Nhật tụng bằng tiếng Việt, không nên tụng đọc kinh Nhật tụng phiên âm Hán-Việt (vì nếu không am tường chữ Hán sẽ không hiểu ý nghĩa của kinh). Hiện nay, xu hướng trì tụng các bản kinh Nhật tụng bằng tiếng Việt rất phổ biến, bạn có thể thỉnh một bản kinh Nhật tụng bằng tiếng Việt khá dễ dàng. Bạn phát tâm cầu sanh Tịnh độ thì ngoài công phu trì tụng và niệm Phật theo kinh Nhật tụng cần phải thành tựu ba món tư lương Tín-Nguyện-Hạnh. Tín phải thâm là tin tưởng sâu sắc vào Phật A Di Đà và cảnh giới Tịnh độ. Nguyện phải thiết là sự chí thành chí thiết phát nguyện cầu sanh Tây phương. Hạnh phải chuyên là sự chuyên cần niệm danh hiệu Phật A Di Đà đến nhất tâm bất loạn.

Một vấn đề khác, theo như bạn nói là đã từng sống phóng túng và tạo nhiều tội lỗi, nên phải khẩn thiết sám hối tội lỗi, nghiệp chướng của mình, nguyện không tái phạm đồng thời cần nỗ lực làm các hạnh lành. Nếu bạn thành tâm tu học và tự kiện toàn như những gì chúng tôi đã sẻ chia, chắc chắn bạn sẽ gặt hái được thành công như sở nguyện, tịnh lạc và giải thoát an vui.

Chúc bạn tinh tấn!

Nguồn: giacngo.vn