Tùy Duyên Trong Phật Giáo Là Thế Nào?

Tùy duyên là tâm thái sống minh triết, an nhiên trước mọi biến động của cuộc đời.

HỎI: Tôi thường nghe các Phật tử nói “mọi chuyện cứ tùy duyên”. Xin hỏi, trong Phật giáo tuduyên là thế nào? Tùy duyên có giống như quan niệm “cái gì đến rồi sẽ đến”?

(DIỆU HƯƠNG, nhanquacongbang85@gmail.com)

ĐÁP: Bạn Diệu Hương thân mến!

Duyên sinh (duyên khởi) là một trong những giáo lý trọng yếu của Phật giáo. Mọi sự, mọi việc ở đời đều do nhân duyên sinh. Các nhân duyên tác động và chi phối lẫn nhau trùng trùng điệp điệp, vô cùng vô tận.

Tùy duyên có nghĩa chính là tùy thuộc vào nhân duyên. Đủ nhân (nguyên nhân chính), đủ duyên (các nhân phụ) thì sự việc (vật) thành; thiếu nhân, thiếu duyên thì sự việc (vật) chưa thành. Sự thành-trụ-hoại-không của thế giới hay sanh-lão-bệnh-tử của nhân sinh hoàn toàn tùy thuộc vào nhân duyên.

Người Phật tử biết các pháp đều tùy duyên nên chủ động nỗ lực tạo ra các nhân duyên tốt lành để mong nhận quả báo tốt đẹp. Nếu thành công thì người Phật tử cũng không quá tự hào, vì biết duyên lành đã tròn đủ. Ngược lại, sau khi đã hết sức cố gắng mà nếu như sự việc vẫn không như ý mình thì cũng an nhiên, vì chưa đủ duyên.

Tùy duyên là tâm thái sống minh triết, an nhiên trước mọi biến động của cuộc đời. So với quan niệm “cai gi đên rôi sẽ đên” một cách đơn thuần thì tinh thần tùy duyên năng động hơn rất nhiều trong việc chủ động tạo thêm nhân duyên tốt lành đồng thời cũng rất nhẹ nhàng nếu “cái sẽ đến” không được toại nguyện, như ý.

Chúc bạn tinh tấn!

Nguồn: giacngo.vn