Tỳ Kheo Đi Khất Thực Có Ý Nghĩa Như Thế Nào

Tỳ kheo đi khất thực có ý nghĩa như thế nào, và ảnh hưởng đến xã hội của sự việc này.

V. K và nhóm bạn, phường 11, Phú Nhuận, T/P Hồ Chí Minh

Khất thực (S. Paindapatika, P. Pindapata) là một trong 12 hạnh đầu đà của các tuPhật giáo, tức là sự việc đi xin thức ăn từng nhà để nuôi sống thân mạng. Khất thực là một phương tiện tu hành cho bản thân (tự lợi) đồng thời nhằm tạo phước đức cho chúng sinh (lợi tha).

Kinh Pháp Tập nêu ba ý nghĩa của sự việc Đức Phật đi khất thực:

1/ Không tham đắm vị ngon,

2/ Phá trừ ngã mạn

3/ Từ bi bình đẳng, lợi ích cho chúng sinh.

Kinh Tăng-nhất A-hàm, quyển 47 và Tỳ Ni Thảo Yếu, quyển sáu ghi rõ rằng khi đi khất thực, Tỳ kheo phải đi dọc hai bên đường, tay trái ôm bát, theo thứ lớp khất thực, không tham đắm, không để ý thức ăn ngon hay dở, chỉ nhằm nuôi dưỡng mạng sống, nuôi dưỡng khí lực. Kinh Bảo Ngũ nêu 10 điều về việc Bồ-tát đi khất thực:

1/ Nhiếp thụ các loại hữu tình,

2/ Theo thứ lớp mà khất thực, không phân biệt giàu nghèo,

3/ Không mệt mỏi, nhàm chán việc khất thực,

4/ Biết đủ,

5/ Phân chia thức ăn: cúng Phật xong chia thức ăn ra làm bốn phần , ăn một phần, chia cho các vị đồng tu, cho người bần cùng và các chúng sinh trong đường ác,

6/ Không tham luyến thức ăn,

7/ Ăn vừa đủ để có sức khỏe,

8/ Thể hiện các phẩm chất tốt,

9/ Phát triển thiện căn

10/ Lìa bỏ ngã chấp.

Kinh Duy Ma nhấn mạnh đến pháp bình đẳng mà vị Tỳ kheo thực hiện khi đi khất thực: “Do vì không ăn mà đi khất thực, vì phá tướng hòa hiệp mà bốc cơm ăn, vì không nhậnnhận món ăn của người, vì nghĩ rằng không có làng xóm mà vào làng xóm, thấy sắc mà như người mù, nghe tiếng mà như nghe tiếng vang, ngửi thấy mùi mà như gió thổi, nếm vị mà không phân biệt, xúc chạm vật mà như thể hiện trí tuệ, biết các pháphuyễn ảo, không có tự tính, không có tha tính, trước vốn không sinh, nay cũng không diệt”. Kinh dẫn tiếp lời Ngài Duy-ma-cật: “Đối với cơm bình đẳng thì các pháp cũng bình đẳng, các pháp bình đẳng thì cơm cũng bình đẳng”.

Vị Tỳ kheo đi khất thực là thực hiện tu hành, là hoàn thiện giới luật và phát triển trí tuệ. Tuy vậy, để tránh hiềm nghi, luận Hiển Dương Thánh Giáo nêu năm nơi không nên đến khất thực: Địa điểm vui chơi ca hát; nơi mua bán dâm; nơi bán rượu; cung vua chúa và nơi giết hại súc vật, buôn bán thịt.

Hình ảnh một tuhiền hòa, trang nghiêm, đạo hạnh xuất hiện trên đường hẳn có ảnh hưởng tốt đến mọi người. Chính hình ảnh này đã tác động đến Thái tử Tất Đạt Đa, khiến Ngài quyết định xuất gia để rồi thành Phật. Những người cúng dường chư vị Khất sĩ, những người kính trọng Tăng bảo tức kính trọng Tam bảo, nương tựa Tam bảo mà phát triển thiện tâm, tinh tấn. Hạnh bố thíhạnh lớn, bố thí Ba-la-mật đứng đầu trong sáu Ba-la-mật của Phật giáo Đại thừa hay trong mười Ba-la-mật của Phật giáo Nguyên thủy. Bố thí giúp người ta tăng trưởng lòng từ, giảm thiểu lòng tham ái, sân hận. Bố thí chư Tỳ kheo lại càng có phước đức vô lượng. Đây là ý nghĩa lợi tha, tạo phước điền cho chúng sinh mà chư vị Khất sĩ nhắm đến, là góp phần xây dựng một xã hội an lành, hiền thiện, từ ái, giảm thiểu tham dục, sân hận. Trong ý nghĩa lợi tha này, thật là sai lầm khi nghĩ rằng khất thực là mong được bố thí, là gợi lòng trắc ẩn, khiến người ta rủ lòng thương mà bố thí; trái lại, nên biết rằng việc khất thực của chư Tỳ kheo là nhằm tạo phước đức cho mọi người. Hơn nữa, chư Tăng còn bày tỏ tấm gương hiền thiện, còn thuyết giảng Phật pháp, còn khuyên người ta sống hiền hòa, hướng đến an lạc, giải thoát tối hậu. Mặt khác, ngoài những nhu cầu vật chất, con người còn có nhu cầu rất thiết yếu về tâm linh như văn học, nghệ thuật, triết lý, tín ngưỡng, tôn giáo. Nếu người ta bỏ tiền ra để mua sách, xem kịch… thì người ta cũng sẵn sàng cúng dường chư Tăng, Ni để được nghe pháp, được thỏa niềm tin.

Khất thực là truyền thống của các tu sĩ, hiền triết ở Ấn Độ từ trước thời Đức Phật và cũng là truyền thống của Tăng già Phật giáo. Hiện nay Phật giáo Nguyên thủy ở nhiều nước vẫn giữ truyền thống này. Dù xã hội đã đổi thay, Tăng già đã bớt đi hoặc bỏ hẳn việc khất thực, nhưng tinh nghĩa của truyền thống tốt đẹp này vẫn được tôn trọng, chiếc bình bát vẫn là vật dụng của hết thảy chư Tăng, Ni trong những lần khất thực hay trong các bữa trai tăng ở các tự viện. Bình bát tượng trưng cho truyền thống khất thực, rất thiêng liêng lại rất gần gũi đối với chư Tăng, Ni và quần chúng Phật tử.

http://tapchivanhoaphatgiao.com