Ứng Phú Là Gì? Trung Tâm Ứng Phú Ở TP HCM Đặt Ở Đâu

Ứng là lời mời, phú là đi đến. Ứng phú là tăng sĩ đáp ứng lời mời của Phật tử mà đến nhà để tụng niệm. Đây là hình thức sinh hoạt chủ yếu của Phật giáo ở Gia Định.

Ứng phú là môn kinh hành sự trong chùa, là môn âm nhạc riêng trong đạo. Khi hành lễ, chư tăng tụng kinh, tán xướng. Nội dung cúng là cầu siêu cho người chết hay cúng vong hồn. Lối ứng phú này có ảnh hưởng lối hát Hồ Quảng của Trung Quốc, gắn với âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Khoa Ứng phú đạo tràng gồm nhiều loại: Đại khoa và Tiểu khoa, được ghi lại trên 20 quyển sách dịch từ chữ Hán. Kết hợp các khoa, một buổi cúng phải từ 24 đến 36 giờ, do ban Kinh sư chịu trách nhiệm tổ chức. Tùy tính chất to, nhỏ của buổi lễ mà có từ bảy thầy cúng trở lên. Do yêu cầu của lễ cúng cần nhiều tu sĩ tham gia, nên cần có sự kết hợp giữa các chùa để đi cúng. Nhu cầu của lưu dân trong giai đoạn mới đến vùng đất phương Nam, cần có thầy cầu siêu cho thân nhân sau khi qua đời nên trong thế k XIX, môn ứng phú ngày càng phát triển.

Trung tâm đào tạo các ứng phú sư là chùa Giác Viên (quận 11). Đây là ngôi chùa được hình thành từ việc trùng tu chùa Giác Lâm. Khi tìm gỗ về làm cột cho chùa Giác Lâm, gỗ được thả theo dòng Rạch Hố Đất, sau đó kéo lên bãi. Tại đây, một mái lá đơn sơ che tạm cho người giữ gỗ, sau đó mới chuyển gỗ về chùa. Sau khi hoàn tất việc trùng tu chùa Giác Lâm, mái lá tạm ở Rạch Hố Đất chuyển thành Quan Âm Các và từ năm 1850 chuyển thành chùa Giác Viên. Từ đấy, môn ứng phú do tổ Hải Tịnh khai mở cũng bắt đầu. Tổ Hải Tịnh nhận thấy yêu cầu của lưu dân ngày càng nhiều mà các tulại chưa am hiểu để đưa việc ứng phú vào nề nếp. Vì vậy, trong thời gian trụ trì chùa Giác Lâm, tổ cũng đồng trụ trì chùa Giác Viên, tổ chức và đào tạo các ứng phú sư tại đây. Kinh phí hoạt động có được, ngoài việc lo cho chùa Giác Viên, còn dùng vào việc lo cho lớp học đào tạo tu sĩ tại chùa Giác Lâm. Một số chùa cúng ứng phú nổi tiếng như chùa Giác Viên, Phụng Sơn, Tứ Phước (quận 11), Từ Thoàn (quận 8), Định Thành (quận 10)…