Vị Pháp Thiêu Thân – Đại Đức Thích Thiện Ân (1949-1970)

Đại đức Thích Thiện Ân, thế danh là Lương Hữu Ba, sinh năm K Sửu (1949) tại xã Nghĩa Hưng, quận Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Phụ thân là ông Lương Châu và thân mẫu là bà Hồ Thị Ngọc.

Gia đình Ngài thuộc thành phần trung lưu, có truyền thống tin Phật nhiều đời. Ngài có tất cả 4 anh chị em, nhờ vào nếp sống thanh nhã của gia đình nên Ngài đã sớm bộc lộ đức tính nhu hòa, luôn hiếu thuận với cha mẹ, anh chị em. Ngoài thời gian đến trường và phụ giúp công việc gia đình, Ngài thường xuyên đến chùa lễ Phật và nghe thuyết pháp. Nhờ vậy, trong Ngài đã un đúc chí nguyện xuất gia. Thời gian này, Ngài như đã sống cuộc đời tập sự xuất gia, được quý thầy tận tình dìu dắt và nhất là được sự trợ duyên đầy hoan hỷ của hai đấng sinh thành.

Năm Mậu Tuất (1958), được sự chấp thuận của song thân, ngày 10 tháng Giêng, Ngài đến chùa Linh Ứng tại Non Nước (Đà Nẵng) cầu xuất gia với Hòa thượng Thích Trí Hữu. Nhờ thời gian tập sự trước đó, Ngài đã nhanh chóng đạt thông các nghi tắc thiền môn, còn tỏ ra thông minh xuất sắc với các môn học ngoại điển.

Năm Canh Tý (1960) nhân ngày vía Đức Quán Thế Âm 19 tháng 2 Âm lịch, Ngài được thọ Sa di giới tại trụ xứ. Do đức tính hiếu học, Ngài được phép Bổn sư gởi cho đi học tại Sài Gòn. Tuy nhiên theo khuyến cáo của Bổn sư, vì e ngại bị tác động bởi nếp sống rộn rã tại nơi đô hội, nên Ngài vâng lệnh Thầy bước đầu đến chùa Thiên Phước tại quận Cai Lậy (Mỹ Tho) để tu học các chương trình tiếp tục. Gần 2 năm tại nơi trú xứ mới này cũng giúp Ngài đạt thêm nhiều điều lợi lạc, bổ sung cho kiến thức Phật học. Thời gian cũng đủ để Ngài thích hợp với phong thổ Nam bộ và tính cách ứng xử đã giúp Ngài thành công trong việc hỗ trợ chư Tăng địa phương công việc hoằng pháp.

Năm Nhâm Dần (1962), Ngài đến Phật học viện chùa Phước Hòa (tỉnh Vĩnh Bình) theo học các khóa huấn luyện cho kiến thức Phật học ngày càng phát triển, hầu có thể đảm đương các nhiệm vụ Phật sự sau này. Sau 3 năm miệt mài cần mẫn, Ngài tốt nghiệp chương trình Phật học sơ trung, được đánh giá vào hạng xuất sắc trong số các học Tăng đồng bằng Nam bộ bấy giờ.

Năm Giáp Thìn (1964) vẫn chưa thỏa nguyện tham cầu Phật học dù đã đạt được nhiều thành tựu khả quan, Ngài bèn trở lên Sài Gòn đến Phật học viện Quang Minh (Phú Nhuận) để xin tùng học. Người học Tăng trẻ tuổi mà chư tôn đức giảng dạy tại đây đã thường được nghe nhắc tới, nay đã nhanh chóng chiếm được lòng ưu ái ngay tại nơi tham học mới này. Tuy nhiên do tác động thời cuộc, Ngài theo học nơi đây chưa bao lâu đã phải bị gián đoạn và Phật học viện này giải tán.

Năm Bính Ngọ (1966), được nhiều sự ân cần giúp đỡ, Ngài đến Chợ Lớn dự thi vào lớp Trung đẳng  phổ thông tại Phật học viện Huệ Nghiêm khi Phật học viện này cũng vừa mở khóa. Thời gian tham học tại Phật học viện danh tiếng này dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Giáo hội, Ngài đã có nhiều thuận duyên hơn bao giờ hết để đặt bước tương lai cho mình. Vì vậy, đây là thời điểm quan trọng cho Ngài bước vào khúc quanh lịch sử cuộc đời tu học của mình.

Năm Mậu Thân (1968), biến động thời cuộc đã gây không ít khó khăn cho Giáo hội, lại vừa phải đương đầu với nhiều thế lực. Do đó, tạm thời Phật học viện Huệ Nghiêm phải đóng cửa. Dù vậy, cũng vừa đúng lúc Ngài tốt nghiệp chương trình Trung đẳng tại đây.

Cũng như nhiều học Tăng xa xứ khác, Ngài phải tự tìm nơi ở mới ngay tại Sài Gòn để chờ cơ hội tiếp tục học vươn tới. Ngài đến lưu xứ tại Tăng xá Phước Huệ (Phú Thọ) rồi lại về chùa Vạn Hạnh ở đường Võ Tánh (Gia Định) mong tìm gặp được nhiều pháp lữ có kiến thức lớn để gần gũi hầu không uổng phí thời gian tu học.

Nhờ ý chí hiếu học và trình độ Phật học sớm được rèn luyện, nhiều Phật tử đã có lời thỉnh cầu Ngài đến trực tiếp chỉ dạy tu học. Trong giai đoạn này, có một thuận duyên không nhỏ đã giúp Ngài nhanh chóng quyết định về tọa chủ chùa Tân Long ở xã Tân Quy Đông, Nhà Bè. Tại đây, Ngài lại được Ban huynh trưởng Gia đình Phật tử mời làm Cố vấn Giáo hạnh và Ngài đã hoan hỷ nhận lời.

Năm K Dậu (1969), khi Phật học viện Huệ Nghiêm tái hoạt động, Ngài đã trở lại tu học và thọ Cụ túc giới tại đây. Tuy sở nguyện được như ý, Ngài vẫn giữ mối liên hệ đạo tình trước nay, đi lại thường xuyên với chùa Tân Long và Gia đình Phật tử Nhà Bè. Sau khi thọ giới, Ngài cũng được nhiều nơi thỉnh giảng, mời làm trụ trì hoặc có Ban đại diện Phật giáo địa phương mời ra làm việc v.v… nhưng Ngài vẫn khiêm cung tự lượng sức mình, bày tỏ chí nguyện tiếp tục ở lại Phật học viện Huệ Nghiêm để khẳng định ý chí và bản lĩnh Thích tử của mình.

Năm Canh Tuất (1970), đây là năm Giáo hội vừa đấu tranh cho hòa bình dân tộc, lại vừa đối phó với thủ đoạn thâm độc của các thế lực đàn áp, chia rẽ nội bộ Phật giáo dẫn đến những hành động đau thương, trái với tôn chỉ từ bi của đạo Phật và đường lối ôn hòa dân tộc mà Giáo hội đang đấu tranh thực thi. Đó là “Vụ thảm sát Việt Nam Quốc Tự”. Nguyên hơn 3 năm trước đó, bằng cái gọi là “Hiến chương Vũng Tàu”, chính quyền Sài Gòn đã lập nên một “Giáo hội” khác và lấy Việt Nam Quốc Tự là cơ sở pháp lý của Giáo hội này. Về phía Giáo hội (khối Ấn Quang) đã nhiều lần đòi hỏi, kể cả thành lập “Ủy ban Bảo vệ Hiến chương” mà chính quyền vẫn không đoái hoài. Ngày 29-11-1967, Giáo hội đã đơn phương tổ chức việc thu hồi lại Việt Nam Quốc Tự nhưng đã bị đàn áp ngay trước chùa Ấn Quang, trụ sở tạm của Viện Hóa Đạo.

Đêm 4 rạng sáng ngày 5 tháng 5 năm 1970, vì quá tin tưởng lời mời trao trả Việt Nam Quốc Tự, chư tôn đức Lãnh đạo Viện Hóa Đạo đã tổ chức cuộc tiếp thu lần thứ hai. Hậu quả là ngay khuya hôm đó, lính Cảnh sát Dã chiến, Võ sinh Nhu đạo Quang Trung và rất đông binh lính nhiều binh chủng đã ồ ạt tràn vào Việt Nam Quốc Tự tàn sát bất kể là ai. Người thầy tu đầu tiên bị trúng đạn ngã gục chính là Ngài mà hơn hai ngày qua đã náo nức tham gia đoàn tiếp thu của Viện Hóa Đạo. Ngài oằn oại trên vũng máu trước cảnh hỗn loạn chưa từng thấy trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, Ngài bị viên đạn trúng vào giữa bụng xuyên trổ ra sau lưng. Và câu cuối cùng Ngài nói trong tiếng nấc đứt quãng : “Hãy giao trả Việt Nam Quốc Tự lại cho Giáo hội, xin đừng nhờ thế lực chính quyền để bắn giết những người vô tội…”.

Ngài đã tắt lịm trong lời nói cuối cùng này, lúc đó là 5 giờ sáng ngày 23 tháng 6 năm 1970 tại Bệnh viện Bình Dân. Công hạnh của Ngài sống mãi từ 21 tuổi đời, với 10 tuổi đạo đầy nỗ lực tiến tu, tích phước hậu lai này.