Vị Pháp Thiêu Thân Thích Thanh Tuệ (1946-1963)

Thầy Thích Thanh Tuệ, tục danh Bùi Huy Chương, sinh năm Bính Tuất 1946, tại thôn Ba Khê, quận Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, thân phụ là ông Bùi Dư, thân mẫu là bà Hoàng Thị Phúc. Ngài là người con thứ tư trong năm anh chị em (2 chị gái, anh trai, Ngài và em út).

Gia đình Ngài thuộc tầng lớp trung nông, có truyền thống tin Phật nhiều đời và hầu hết anh chị em đều được giáo dục cả về mặt trí và đức nên rất được lòng bà con thôn xóm. Những ngày sóc-vọng hoặc các ngày lễ lớn, cả gia đình đều trì trai giới và đi lễ chùa thường xuyên. Do vậy mà anh em Ngài đều sớm có được niềm tin Phật pháp trong sáng, luôn sống hòa thuận, nhường nhịn nhau, trở nên một gia đình gương mẫu về ý nghĩa Phật đạo lẫn xã hội.

Năm Ất Mùi (1955), thân mẫu Ngài qua đời sau cơn bạo bệnh, vốn là một gia đình gương mẫu và vì tình thương dành cho các con nên thân phụ Ngài quyết ở vậy, tiếp tục nuôi dạy các con cho đến khi khôn lớn, gánh nặng lao động đều được anh chị em Ngài tự nguyện chia đều, hầu nhẹ bớt phần lao nhọc của thân phụ. Nhưng không vì vậy mà sức học của Ngài suy giảm. Ngược lại càng tinh tấn thêm hơn do bởi lòng hiếu thảo dành cho thân phụ.

Thời niên thiếu của Ngài tuy cơ hàn nhưng cũng hưởng đầy đủ niềm vui hồn nhiên cùng các bạn đồng lứa, những niềm vui ấy còn là hành trang để mang đi theo suốt cả một đời người. Những buổi trưa hè, Ngài cùng chúng bạn đến chùa học bài, vừa là tiếp cận với Phật pháp bằng những thắc mắc của tuổi hoa niên; nhờ đó lại được thêm các nguồn tình cảm từ nơi quý thầy. Với phụ thân Ngài, đó là những thú vui, những mối giao lưu rất bổ ích, không thể thiếu mà với tâm lành của một người Phật tử, phụ thân Ngài luôn lấy làm hoan hỷ. Từ đó, những dịp cuối tuần hay nghỉ hè, Ngài thường theo thân phụ hoặc các anh chị em vô Huế thường xuyên, vừa để thăm thú các ngôi già lam cổ kính, cũng vừa tìm lại các chú Sa di ngày nào ở thôn làng giờ đã được tu học tại đây. Nhờ đó giữa Huế và làng thôn Quảng Trị chẳng còn cách bao xa.

Năm Canh Tý (1960), với một gia đình như thế, việc đồng ý cho các người con xuất gia đối với thân phụ Ngài quả là điều nan giải, bởi hầu hết ai cũng đều muốn là người trước tiên được vinh dự làm việc ấy. Nhưng với lòng mộ đạo thiết tha tràn đầy, cộng vào tư chất thông minh, cả quyết của Ngài đã chiếm được lòng tin của thân phụ; khiến phụ thân Ngài không còn đắn đo, nhất trí cho Ngài xuất gia học đạo tại chùa Phước Duyên, thôn Hưng Long, quận Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên (gần chùa Linh Mụ – Huế). Năm ấy Ngài vừa tròn 15 tuổi đời, được Bổn sư đặt pháp danh là Thanh Tuệ.

Đạt chí nguyện lớn, lại được ở gần các mối quan hệ đạo tình được vun trồng xưa nay và lại là nơi xứ Huế. Ngài dốc lòng trau dồi kiến thức Phật học lẫn văn hóa phổ thông, nên luôn chiếm được lòng tin yêu của thầy, bạn và các Phật tử lân cận, nhờ đó việc học hành mỗi ngày thêm tinh tấn vượt trội rõ rệt.

Tuy việc tu học và thời khóa chấp tác công phu luôn bận rộn đêm ngày, nhưng với tấm lòng hiếu thảo vô hạn, hằng năm, cứ đến ngày giỗ mẹ, dẫu bận bịu thế nào, Ngài cũng về quê Hải Lăng để trực tiếp tụng kinh cầu siêu cho thân mẫu quá cố. Những dịp như thế, gia đình Ngài trở thành ngày hội với những lời giảng giải Phật pháp bằng nhận thức riêng của Ngài, trước bà con thân quyến và chòm xóm có mặt. Nhiều lúc cha, anh và người thân còn tỏ ý muốn Ngài về nhiều hơn để được nghe con mình, nhìn người thân tiến bộ và kiến giải đạo lý. Có lần Ngài nói một câu tưởng như đùa mà mãi đến sau này đó lại là lời khẳng định rất thật : “Khi con không về nữa, Cậu và các anh chị, bà con chòm xóm đừng buồn, vì như thế có nghĩa là con đã thực sự đi vào nẽo đạo…”.

Năm Quý Mão (1963) tháng 5, Ngài thi đỗ bằng Trung học Đệ nhất cấp, chưa kịp chuẩn bị cho hành trang bước tiếp con đường mở mang kiến thức phổ thông, thì tiếng xích xe tăng và lựu đạn nổ báo hiệu cơn đại họa cho Phật giáo Việt Nam xảy ra : Pháp nạn ! Ngài là một trong hàng ngàn dân Huế đầu tiên chứng kiến cảnh chính quyền triệt hạ cờ Phật giáo vào ngày 07.5.1963, để rồi đích thân Ngài có mặt tại Đài phát thanh Huế ở đầu cầu Tràng Tiền lúc 21 giờ 30 ngày 08.5.1963, chứng kiến hành động dã man của cảnh sát, quân cảnh, hiến binh, lực lượng xe thiết giáp, vòi rồng của chính quyền Diệm, ra sức tàn sát những người vốn thờ phụng và thực thi giáo lý từ bi của đức Phật trong tay không một tấc sắt. Ngài chạy thoát được cuộc tàn sát kinh hoàng ấy nhưng cũng kịp ghi vào tâm khảm hình ảnh 8 em oanh vũ gia đình Phật tử ngã gục dưới làn đạn, 4 người khác oằn oại dưới xích xe tăng. Họ chỉ có “cái tội” là đến để đón nghe giờ phát thanh Phật Đản, không biểu tình, không bạo động.

Chư tôn đức Lãnh đạo Tổng hội Phật giáo Việt Nam đã từ đó tuyên cáo, đòi hỏi thực thi 5 nguyện vọng chính đáng của Phật giáo Việt Nam ban hành ngày 10.5.1963, để rồi ngày 30-5 lại chính thức kêu gọi Tăng tín đồ cả nước hiệp lực đấu tranh, bảo tồn Phật giáo, bởi máu đã đổ, thịt đã nát, xương đã thực sự rơi ! Ngày 4 tháng 6 năm 1963, Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo được thành lập. Ngày 11.6.1963, Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu tại Sài Gòn. Như vậy tình thế đã lâm vào cảnh dầu sôi lửa bỏng và mặc dầu ngày 17.6.1963 đã có thông cáo chung giữa Phật giáo và chính quyền Ngô Đình Diệm, nhưng tội ác của Diệm vẫn lan tràn và khốc liệt rõ nét kỳ thị.

Đến thời điểm này, tình hình tranh đấu của Phật giáo đã diễn ra đều khắp các tỉnh thành. Bàn thờ Phật tại gia còn phải đem giấu huống là hình thức một Tăng sĩ dễ bị theo dõi, gây khó dễ đủ điều và dĩ nhiên thân nhân họ ở gia đình càng là điểm đàn áp cụ thể nữa. Gia đình Ngài là một trong vô vàn nạn nhân ấy, thân phụ Ngài gởi thư tay khuyên Ngài chớ nên về quê vì gia đình đêm ngày bị cảnh sát mật vụ tra hỏi liên tục. Vốn cá tính mạnh mẽ nhưng Ngài không khỏi thốt lên “Phật giáo làm nên tội tình gì ?”. Như vậy pháp nạn không chỉ bổ ập vào ngôi chùa, vào quý Tăng sĩ mà đã lan tràn đến từng gia đình, từng ngõ ngách làng thôn quy ngưỡng Phật đạo.

Ngày 04.8.1963 (nhằm ngày Rằm tháng 6 Âm lịch), với bản tính thiết tha yêu đạo, thương đời và một mực chí hiếu với gia đình, đứng trước hoàn cảnh nghiệt ngã, bức xúc như thế; Ngài quyết định về quê Hải Lăng vì ngày đó chính là ngày giỗ thân mẫu, để tận mắt chứng kiến những hư, thực. Kết quả thực tế đã minh chứng cho những thông tin Ngài từng nhận được là hoàn toàn không sai sót, càng tê tái đau lòng hơn khi thực tế ngày giỗ mẹ nhưng gia đình không dám bày cúng như mọi năm. Khi quay gót về chùa Ngài còn văng vẳng nghe tiếng khẩn thiết của phụ thân là chớ nên liều lĩnh về đây nữa ! Đêm đó về lại chùa, Ngài lòng sửng sốt hơn khi nhận được tin : Đại đức Nguyên Hương vừa tự thiêu tại Phan Thiết trưa cùng ngày ! Từ đó, hằng đêm Ngài thường suy tư và viết vào nhật mấy dòng bôi xóa rồi gạch dưới nhóm câu “Máu đã đổ từ Huế (vụ thảm sát đêm 08.5.1963 tại Huế) tràn đi khắp nơi, đến Sài Gòn bùng lên ngọn lửa (Hòa thượng Quảng Đức tự thiêu ngày 11.6.1963), lửa đã lan tỏa ngược về Nam Trung bộ (Đại đức Nguyên Hương tự thiêu ngày 4.8.1963) và sẽ còn ai nữa tự nguyện thắp lên ngọn đuốc ấy tại nơi đây (Huế) ? Là một Tăng sĩ tu học từ các chốn già lam đủ đầy kiến thức, ơn giáo dưỡng của thầy Tổ còn đây, mình phải làm sao ?”.

Ngài đã tự trả lời điều đó lúc chưa đầy mười ngày sau, sau khi đã viết 4 bức thư để lại :

– Một gởi cho Tổng thống Ngô Đình Diệm.
– Một gởi cho toàn thể Tăng Ni tín đồ Phật giáo Việt Nam.
– Một gởi cho thầy Bổn sư của Ngài.
– Một gởi cho thân phụ cùng thân quyến.

Như vậy, trước khi tuẫn đạo, Ngài không có một lời nào về mình, người không nghĩ đến mình; chỉ nghĩ lo cho người khác, cho những người còn sống. Đặc biệt về thân phụ, Ngài viết : “… Con chết đi, Cậu sẽ phải đương đầu với mọi đe dọa. Cậu đừng sợ, đừng xiêu lòng khi họ dùng nhiều mánh lới khác, mà Cậu phải hy sinh hoàn toàn cho Phật giáo, dù cho bản thân tứ đại của Cậu phải bị diệt vong…” Lời của Ngài, mặc dù viết cho thân phụ, nhưng cũng chính là viết cho toàn thể Phật giáo đồ chân chính.

Ngày 13 tháng 8 năm 1963, như để sáng ngọn lửa rực chiếu thấu tận cõi u minh. Ngài đã tự thiêu thân vào lúc 01 giờ khuya tại chùa Phước Duyên, thành phố Huế, tuổi đời 18 năm, với 3 tuổi đạo tràn đầy nhiệt huyết Thích tử từ bi.