Xin cho biết có bao nhiêu hệ tư tưởng chính yếu trong đạo Phật?

Câu hỏi này rất bao quát. Vì trên thực tế, trong đạo Phật có hai phạm trù tư tưởng, tạm phân biệt như vậy. Thứ nhất là lịch sử tư tưởng như các nhà Phật học (đặc biệt là Viện sỹ Hàn lâm viện Theodor Stcherbatsky /1866-1942) đã phân định dựa theo các thời kỳ phát triển của lịch sử hay còn gọi là lịch sử phân kỳ Phật giáo. Và thứ hai là lịch sử tư tưởng các tông phái của Phật giáo. Đối với phạm trù thứ hai, tức lịch sử tư tưởng các tông phái trong Phật giáo, bạn cần có thời gian để đi vào nghiên cứu từng tông phái một, chẳng hạn như Thiền tông, Tịnh Độ tông, Thiên Thai tông .v.v. Ví dụ, riêng nền Phật học Trung Hoa, có ít nhất 10 tông phái khác nhau; và mỗi tông phái đều có tư tưởng và con đường tu tập chuyên môn. Đối với phạm trù thứ nhất, tức lịch sử tư tưởng Phật giáo, chúng ta có thể chia thành hai hệ thống tư tưởng bao quát và xuyên suốt như sau: a/ Tư tưởng Phật giáo thời nguyên thủy; và, b/ Tưởng tư Phật giáo thời phát triển.

Tư tưởng Phật giáo thời nguyên thủy được xây dựng trên nền tảng của giáo lý Duyên Khởi -Vô Ngã (Dependent Origination and non-self) do chính Đức Phật dạy sau khi Ngài thành tựu qủa vị giác ngộ tối hậu. Nội dung chính của giáo lý này nói rằng tất cả pháp (hiện hữu) có mặt trong ba cõi (trilokas-cõi dục, cõi sắc, và vô sắc) đều là sản phẩm của nghìn trùng nhân duyên, chúng có mặt theo thể thức sinh thành, tồn tại, biến đổi, và tan hoại (thành, trụ hoại, không); hoặc theo dòng sinh khởi, hiện trụ, biến chuyển, và đoạn diệt (sinh, trụ, dị, diệt) của tâm thức. Cứ như thế các pháp thuộc về tâm lý và vật lý sinh và diệt tùy thuận các nhân duyên theo từng chu kỳ, gọi là vòng luân hồi (samsāra). Do vậy, những gì có mặt trong nguyên lý Duyên Khởi (Paticcamūpāda) này đều vô thườngkhông hề có một bản ngã cá biệt, hiện hữu một cách độc lập và vĩnh hằng. Đây là chân lý của thực tại mà Đức Phật bảo là “Dầu Như Lai có xuất hiện hay không xuất hiện thì nó vẫn là như thế.” Dựa trên nền tảng tư tưởng này, người Phật tử xây dựng một nhân sinh quan cho đời sống tu tập của chính mình, đấy là đời sống vô ngã, giải thoát: mục tiêu cuối cùng.

Tư tưởng Phật giáo thời phát triển được hình thành với hai hệ thống nổi bật đó là Trung Quán (Mādhyamika) và Duy Thức (Yogācāra). Cả hai hệ thống tư tưởng này đều có liên hệ chặt chẽ với giáo lý Duyên Khởi (Paticcamūpāda), hay nói khác đi, cả hai hệ tư tưởng này đều được xây dựng trên nền tảng của Duyên Khởi. Tuy nhiên, mỗi hệ tư tưởng đều có các khái niệm và diễn giải đặc thù. Tư tưởng Trung Quán xiển dương học thuyết về Tánh Không (Śūnyatā), trong khi Duy Thức (Vijñapati-mātratā) nhấn mạnh đến khái niệm Tàng Thức (Alaya). Ở đây, học thuyết về Tánh Không nỗ lực giải minh rằng tự tính của các phápvô ngã, không có thực thể, chúng là sự tựu thành của nhiều nhân duyên. Do đó, khi thể nhập Tánh Không, hành giả đồng thời thể nhập thực tại vô ngã. Bạn nên nhớ rằng, khái niệm Tánh Không vốn không phải là một phạm trù đối lập giữa có và không, trái lái, chính nó là thực tại chân nguyên. Vì vậy, trong ngôn ngữ kinh điển của Phật giáo phát triển, Tánh Không là từ đồng nghĩa với Niết Bàn. Đối với triết học Duy Thức, khái niệm Tàng Thức, một học thuyết trọng yếu của hệ tư tưởng này, chỉ ra rằng tất cả khổ đau hay hạnh phúc đều là sản phẩm của tâm phân biệt (vikalpa) giữa ngã (atman) và pháp (dharma). Và sự phân biệt này là căn để của phiền não, sinh tử, luân hồi. Do vậy, khi tu tập, hành giả phải rửa sạch mọi chấp thủ về tự ngã (cái tôi, cái của tôi, và cái tự ngã của tôi) để trở về với tâm thức thanh tịnh, bản nguyên vốn không phân biệt.

Từ đây, cho thấy rằng điểm nhất quán trong giáo lý của Phật giáo, dầu nguyên thủy hay phát triển, đều chú trọng đến việc gội sạch tâm tham ái và chấp thủ để đạt đến cảnh giới giải thoát thực tại, đấy là cảnh giới của thực tại Vô ngã-Niết bàn.