Xin Cho Biết Một Số Ngôi Chùa Hoa Trên Địa Bàn TP HCM

Thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm kinh tế văn hóa quan trọng của cả nước. Khá nhiều ngôi chùa do người Hoa đứng ra xây dựng và trụ trì hiện còn trên địa bàn thành phố. Có thể kể đến một số chùa như:

Chùa Nam Phổ Đà do Hòa thượng Thống Lương và Thanh Thuyền sáng lập vào năm 1945. Chùa tọa lạc tại 117 đường Hùng Vương, quận 6.

Từ xa, dễ nhận ra ngôi chùa Hoa với đường nét kiến trúc và màu sắc rực chói. Toàn bộ ngôi chùa được quét vôi hồng. Cửa tam quan và các cửa khác đều được sơn đỏ, nổi bật lên trên nền tường hồng. Đối với người Hoa, đó là màu của sự may mắn, hạnh phúc. Trên nóc chùa, còn được dựng lên một tháp 7 tầng nhỏ nhắn.

Với kiến trúc hiện đại, chùa Nam Phổ Đà gồm ba tòa nhà nối nhau theo chiều dọc: tiền điện, trung điện, chính điện. Ba dãy nhà nối nhau bằng hai khoảng sân thiên tỉnh thoáng mát. Dãy nhà đầu tiên là nơi đặt bàn thờ các vị Chuẩn Đề, Văn Thù, Phổ Hiền, A Di Đà, Ngọc Hoàng… Đây còn là nơi đặt quầy nhỏ ở góc, bày bán nhang cho Phật tử. Tòa chính điện tiếp theo là nơi đặt bộ Di Đà tam tôn trong tư thế đứng, cao bằng người thật, gồm các tượng: A Di Đà, Quán Thế Âm và Đại Thế Chí bồ tát. Tượng được đặt trong khánh lớn, trên có làm mái ngói nhỏ, bằng gỗ, như hình dạng một ngôi miếu. Nóc được trang trí bằng ngói ống giả, bao bọc lớp men xanh thẳm. Đầu mái cong vút, trên đầu hồi cũng trang trí tứ linh hoặc hoa văn. Tượng lớn nhất tại chính điện là ba pho tượng bằng gỗ trầm, sơn son thếp vàng. Đường nét nhân chủng thể hiện trên tượng, cùng với trang phục chạm khắc bằng những nét mềm mại, thanh mảnh… cho thấy các tượng đều mang dáng dấp của người Hoa. Hầu hết các pho tượng đặt thờ trong chùa đều được đưa từ nước ngoài vào. Câu đối được khắc vào thân cột xung quanh tiền điện và chính điện, viết theo lối chữ triện, chữ thảo. Có một số câu đối ca tụng Bồ tát cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm. Dãy nhà cuối cùng là nơi đặt tượng Địa Tạng Vương bồ tát. Đây là nơi để bài vị các Phật tử quá cố. Nhiều dòng họ lớn cũng đều được đặt thờ tại chùa, như họ Kha Thái

Là ngôi chùa được thiết kế bằng vật liệu hiện đại, có lầu, nhưng chùa Nam Phổ Đà vẫn còn lưu giữ được tháp tổ trong sân thiên tỉnh. Đây là tháp cải táng của các vị hòa thượng người Phúc Kiến, trước kia tu tại chùa Nam Phổ Đà, còn gọi là chùa Tây Thiên ở Trung Quốc. Các hòa thượng này được xem là những vị đến Việt Nam khá sớm. Sau khi truyền đạo và thị tịch, các hòa thượng được an táng tại một nghĩa trang ở Phú Thọ (quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh). Khi nghĩa trang bị giải tỏa, hài cốt được đưa về nhập tháp tại chùa Nam Phổ Đà vào năm 1955. Đây là ngôi tháp chung của các vị Vĩnh Tâm Hòa thượng, Tĩnh Giác đại sư, Phước Lượng đại sư, Phước Kim đại sư, Lý Giác đại sư, Thoại Thuyền đại sư, Huệ Thân đại sư, Ngưỡn Tham đại sư. Trong sân vẫn còn tấm bia công đức, kích thước lớn, khắc chữ Hán, tên những người góp công của xây dựng chùa. Sinh hoạt nghi lễ ở chùa thường diễn ra vào hai buổi sáng, chiều trong ngày. Mỗi tháng, chùa còn dành riêng ngày để cúng cầu an, cầu siêu. Là ngôi chùa lớn, thu hút chư tăng đầu tiên từ tỉnh Phúc Kiến sang Việt Nam tu học những năm đầu thế k XX, chùa Nam Phổ Đà đã đóng vai trò như một tổ đình của chi phái Lâm Tế.

Chùa Thảo Đường có tên chữ là Thảo Đường thiền tự. Được xây dựng bên bờ rạch Ông Buông, số 335/42 đường Hùng Vương quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh. Chùa được thành lập vào năm 1960, mang tên Thảo Đường, nhưng thuộc phái Tào Động. Tên gọi do vị sư người Ấn Độ Cưu Ma La Thập sang Trung Quốc truyền giáo, xây ngôi chùa Thảo Đường, truyền bá đạo pháp, dịch kinh Kim Cang. Vị sư trụ trì chùa Thảo Đường vốn từ Trung Quốc sang Việt Nam lập chùa để k niệm. Ông đặt lại tên Thảo Đường. Đó là Miệu Duyên Hòa thượng. Trước khi đến bờ rạch Ông Buông cất chùa, Miệu Duyên Hòa thượng đã lập ngôi chùa nằm trên đường Phạm Văn Chí, quận 6.

Từ khi được truyền sang miền Nam Việt Nam, phái Tào Động có mặt trong 5 ngôi chùa cổ nổi tiếng tập trung tại bốn quận là chùa Phụng Sơn (quận 11), chùa Từ Đức (quận 5), chùa Thảo Đường (quận 6), chùa Nam Phổ Đà (quận 6) trước theo phái Tào Động sau chuyển sang Lâm Tế, chùa Từ Ân (quận 11). Đây là những ngôi chùa Hoa thuộc Hoa tông và hiện nay thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Hiện chùa Thảo Đường do đại đức Nhật Tu trụ trì. Trong chùa còn lưu giữa lạiPháp quyển”, ghi sơ lược các dòng tổ của phái mình từ trước đến nay. Tính từ khi sang Việt Nam, đại đức Nhật Tu thuộc thế hệ thứ ba. Do mới được xây dựng thời gian gần đây nên chùa Thảo Đường không có những kiến trúc, đường nét đặc biệt. Từ xa, thoáng nhìn qua bên kia bờ rạch, đã thấy mái chùa cong vút và hình ảnh quen thuộc trên nóc các ngôi chùa Hoa, đó là hình ảnh “lưỡng long tranh châu”. Qua cổng tam quan, dẫn vào một sân nhỏ có tượng hai con lân bằng đá. Bên trong chùa khá rộng, chia làm ba gian thờ chính. Trên cùng là tượng Phật bằng gỗ trầm. Tượng đặt ngồi, hai bên có Anan và Ca Diếp đứng hầu. Tất cả đều được đặt trong khánh lớn, đảm bảo sự tinh khiết. Phía trên lồng kính là một mái nhỏ, kiểu mái cổng tam quan, đầu mái vút cong, sơn nâu hoặc đỏ thẫm, viền trắng. Hai gian bên thờ Văn ThùPhổ Hiền bồ tát, Ngọc Hoàng, Quan Thánh, Quan Âm, Tề Thiên và các bài vị người đã khuất. Góc phải có chuông lớn. Phần sau nhà là nơi đặt cốt thờ. Trên lầu thờ các vị Tổ sư, nơi đặt ảnh Hòa thượng Vĩnh Tâm, thầy truyền pháp cho Hòa thượng Miệu Duyên. Mỗi ngày, chùa sinh hoạt cúng lễ bốn lần, tụng kinh bằng tiếng Triều Châu. Đa số Phật tử lui tới chùa là người Hoa. Vào các ngày mồng Một và Rằm, chùa cũng tổ chức lễ cầu an, cầu siêu cho Phật tử. Trong các lễ vật đem đến cúng, ngoài hoa quả, các loại bánh (pha cú, bánh tiêu…) còn có các loại giấy vàng bạc xếp thành hình ống, chất lên đĩa thành tháp 7 tầng để dành cúng Phật, tượng trưng cho ngôi vị của 7 đức Như Lai. Số lễ vật mang đến cúng xong, người chủ mang một ít về, gọi là lấy lộc về nhà.

Chùa Thảo Đường có nhiều hoạt động xã hội giúp vào các việc công ích. Chùa cũng tài trợ cho việc xây cầu bắc ngang rạch đi vào chùa. Chùa Thảo Đường là một trong số ít ỏi những ngôi chùa Hoa có quy mô lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Thảo Đường thiền tự