Xin Giải Thích Về Thủ Ấn

Xin giải thích về việc lấy tay “bắt ấn” trong một số nghi lễ Phật giáo mà tôi nghe nói đấy là thủ ấn?

Mỹ Nhung, 4221 N.E Tremont CT. Lee’ Summit, Mo 64064, USA

Thủ ấn là một loại hình nổi bật của ấn, hay ấn tướng (hình tướng của ấn). Ấn (Sankrit. Mudrà, Pali.Muddà), âm Hán Việt là Mẫu-nại-ba, Mâu-đà-la, Mục-đà-la… là một hình tướng biểu hiện ý nghĩa bí mật, nhiệm mầu (còn gọi là mật ấn) được chư vị xuất thế gian như chư Phật, Bồ-tát, chư Đại sưthể hiện qua các tư thế của thân thể như đi, đứng, ngồi, nằm; của cánh tay, bàn tay, các ngón tay… Riêng các tư thế của bàn tay, của các ngón tay thì được gọi là thủ ấn (thủ nghĩa là tay, bàn tay).

Ấn hay Mudrà nguyên nghĩa là cái khuôn dấu, dấu hiệu, tín vật (để làm tin) được dùng trong việc thực hiện thiền định Yoga của Ấn Độ giáo, đặc biệt được tìm thấy qua nghệ thuật hình tượng của tôn giáo này và sau đó là của Phật giáo, có rất nhiều tư thế, nhất là của bàn tay và ngón tay của hai tôn giáo rất giống nhau. Khi Phật giáo Mật tông được hình thành và truyền qua Tây Tạng, Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản thì ấn, nhất là thủ ấn được sử dụng nhiều hơn trong phương pháp tu tập, trong nghi lễ và có ảnh hưởng đến văn hóa, nghệ thuật các nước ở châu Á.

Kinh Đại Nhật Như Lai (Mahavarocana Sutra) có phân biệt ấn hữu tướng (có thể nhìn thấy hình tướng) gồm Thủ ấn (tư thế bàn tay) và Khí ấn (các khí cụ chư tôn cầm như hoa sen, kiếm…) và ấn vô tướng (không thể nhìn thấy hình tướng) gồm tất cả các động tác, tư thế của thân trong cảnh giới bí mật, sâu xa nhất. Riêng về thủ ấn, kinh phân biệt 18 tướng, gồm 12 hiệp chưởng (tư thế của các bàn tay kết hợp) và sáu chủng quyền (bàn tay nắm lại). Mỗi bàn tay, mỗi ngón tay và các tư thế của bàn tay, ngón tay trong thủ ấn là biểu tượng của một thực thể như ngũ uẩn, tứ đại, các Ba la mật, lý, trí, quán, bi…

Thực ra, hiện có rất nhiều loại thủ ấn, khó mà liệt kê, miêu tả hết được. Xin giới thiệu một số thủ ấn thường thấy được thực hiện trong các nghi lễ, các tranh tượng Phật giáo:

  • Vô uý ấn (Abhaya mudrà): biểu hiện sự che chở, lòng an, từ bi, xua tan mọi sợ hãi. Lòng bàn tay phải quay ra ngoài, các ngón tay duỗi lên phía trên. Đặc biệt thường thấy ở Đức Phật Thích Ca và Đức Phật Bất Không Thành Tựu (Amoga siddhi).
  • Xúc địa ấn (Bhumisparsha mudrà): biểu hiện cho sự minh chứng được xác lập rõ ràng. Đức Phật ngồi, bàn tay phải thả lỏng và đặt bên đầu gối phải, các ngón tay duỗi, đầu ngón chạm tòa sen, bàn tay trái để trên lòng, lòng bàn tay ngửa lên trên.
  • Chuyển pháp luân ấn (Dharmachakra mudrà): biểu hiện lúc Đức Phật Cồ Đàm thực hiện bài thuyết pháp đầu tiên tại vườn Nai ở Sarnath, đây cũng là một thủ ấn của Đức Đại Nhật Như Lai, hai tay để trước ngực, bàn tay trái quay vào trong, che bàn tay phải quay ra ngoài.
  • Thiền định ấn (Dhyàna Mudrà): biểu hiện sự thiền định và ngọn lửa tâm linh của Tam Bảo. Hai bàn tay đặt trên lòng, bàn tay phải đặt trên bàn tay trái (hoặc ngược lại), các ngón tay duỗi thẳng, lòng bàn tay ngửa lên trên. Thủ ấn này thường thấy ở Đức Phật Thích Ca, Đức Phật A-di-đà và đôi khi ở Đức Phật Dược Sư.
  • Thí nguyện ấn (Varada Mudrà): biểu hiện sự trao tặng, hoan hỷ, từ bi, chân thành. Cánh tay phải duỗi thẳng xuống, lòng bàn tay quay ra ngoài (đôi khi được thực hiện với cánh tay trái). Đặc biệt thường thấy ở hình tượng Đức Quán Thế Âm và đôi khi của Đức Phật Thích Ca (tư thế đứng).
  • Kim Cang ấn (Vajra Mudrà): biểu hiện trí tuệ. Bàn tay phải nắm lại, ngón trỏ duỗi lên trên, lòng tay trái quay vào trong, nắm lấy ngón tay trỏ của bàn tay phải.

Kinh dạy rằng chư Phật, Bồ-tát, Đại đức… co duỗi các ngón tay cũng làm chấn động pháp giới, kẻ phàm phu chưa hết phiền não nhưng nếu sử dụng được các ấn tướng thì cũng có được hiệu quả, sai khiến được thần thánh, chư thiên, ma qu. Tuy vậy, pháp môn Mật tông cũng như tất cả các pháp môn tu tập khác của Phật giáo, không dễ dàng đưa đến sự thành tựu nếu không hành trì đúng pháp. Người tu tập, thực hiện cần phải có thầy dạy, cần phải kiên tâm, bền chí, tin tưởng, giữ gìn giới hạnh… mới mong được tiến bộ dần dần.

Người Phật tử tôn kính thủ ấn vì đây là biểu hiện mật nghĩa của chư Phật, chư Bồ-tát, tôn kính chư đại sư thực hiện các thủ ấn. Có người áp dụng thủ ấn trong việc thực hành Yoga cũng tìm được sự hiệu nghiệm, tốt cho sức khoẻ và tâm thức. Nhưng việc chuyên tu thủ ấn thì phải hết sức thận trọng, vì nếu sai lạc sẽ bị đưa đến mê tín, ngã mạn và có khi bị “tẩu hỏa nhập ma”…

http://tapchivanhoaphatgiao.com