Xử Án Công Bình Khoan Thứ

Niên hiệu Trinh Quán thứ nhất đời nhà Đường,[i] ở Thanh Châu có vụ mưu phản, người bị bắt giam đầy trong ngục, vua ban chiếu sai Tiết Nhân Sư tra xét vụ án này.

Nhân Sư vừa đến liền truyền tháo bỏ hết gông cùm, cho phạm nhân ăn uống no đủ, tắm gội sạch sẽ, sau đó chỉ trừng trị một số tên cầm đầu trong vụ ấy mà thôi. Tôn Phục Già ngờ rằng số người được tha bổng quá nhiều, Nhân Sư liền nói: “Trong việc xử án cần phải lấy điều nhân nghĩa khoan thứ làm căn bản, sao có thể chỉmuốn tránh tội cho bản thân mình mà biết người khác bị oan không cứu? Nếu quả như làm thế mà trái ý hoàng thượng thì dù phải hy sinh mạng sống này tôi cũng vui lòng.”

Sau vua cho người thẩm tra lại vụ án ấy lần nữa, quả nhiên những người được Nhân Sư tha bổng đều đã bị bắt oan.

Lời bàn

Quan Tư Khấu cai quản hình ngục là Cung Chi Lộc dâng sớ tâu lên rằng: “Xưa nay việc xử án sai lầm xử nhẹ hơn so với tội trạng, so ra không nghiêm trọng bằng việc kết án oan sai người vô tội. Nay vâng mệnh khảo xét quan lại phụ trách xử án, thấy trưng dẫn điều luật không phù hợp, kết án qua loa khinh suất thì lập tức luận tội. Xét thấy quan lại chỉ nghĩ đến đường công danh của bản thân họ mà không hề nghĩ đến tính mạng người khác, đối với những vụ án cần phải xem xét nghị án lần nữa, thì lại chọn cách an ổn cho mình nên đẩy phạm nhân vào chỗ chết. Như khi thừa mệnh tra xét quan lại mà thấy quả thật đã để tình riêng làm sai lệch phép nước thì nên trị tội. Còn những trường hợp phán quan xử nhẹ hơn hoặc quyết định tha bổng chưa thỏa đáng thì nên tha thứ, miễn xử phạt. Như vậy có thể khiến cho quan lại bớt đi mối lo lắng khi xử án, mà việc xử án cũng thêm phần nghiêm minh và hợp với đạo lý.”

[i] Tức là năm 627.