Xuất Xứ, Ý Nghĩa Của Bài Tụng

Tôi thường nghe quý thầy tụng bài Tứ hoằng thệ nguyện. Xin cho biết xuất xứ, ý nghĩa của bài tụng; ý nghĩa của các thệ nguyện?

Ng. Đ. V, đường Đống Đa, Huế

Hình ảnh vị Bồ-tát được nêu cao trong Phật giáo Đại thừa (khoảng một vài thế k sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn), bổ sung cho hình ảnh vị A-la-hán của Phật giáo Nguyên thủy, đáp ứng yêu cầu được cứu độ của tín đồ tôn giáo, phản ánh lòng Đại Từ Bi, Đại Trí Tuệ và Đại Dũng Mãnh của Phật giáo.

Tứ hoằng thệ nguyện là Bốn lời nguyện rộng lớn mà chư Bồ-tát phát khởi khi chưa thành Phật. Bài tụng ta thường nghe là đúng y nguyên văn trong Pháp Bản Đàn Kinh do Lục tổ Huệ Năng truyền lại:

Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ,

Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn,

Pháp mônlượng thệ nguyện học,

Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành

(Nguyện cứu giúp vô số chúng sinh,

Nguyện đoạn trừ vô tận phiền não,

Nguyện học vô lượng Phật pháp;

Nguyện hoàn thành Phật đạo vô thượng).

Bài tụng trên hiển nhiên là lấy ý từ các kinh Đại thừa, nêu nội dung quyết tâm thệ nguyện của chư Bồ-tát có tâm từ bi muốn cứu vớt hết thảy chúng sinh. Kinh đạo hành Bát-nhã và Kinh Pháp Hoa đều ghi: “Ta sẽ độ cho những ai chưa được độ, sẽ giải thoát cho những ai chưa được giải thoát, sẽ làm an vui những ai đang sợ hãi, sẽ đưa đến Niết-bàn những ai chưa đến”. Kinh Bồ-tát Anh Lạc Bản Nguyện ghi: “Ta sẽ làm cho vượt khổ những ai chưa vượt khổ, sẽ giải thoát Tập đế cho những ai chưa giải thoát khỏi Tập đế, sẽ khiến tu tập Đạo đế cho những ai chưa tu tập Đạo đế, sẽ làm cho chứng đắc Niết-bàn cho những ai chưa chứng đắc Niết-bàn…”. Rất nhiều kinh điển ghi lại lời nguyện của chư Phật, chư Bồ-tát (ví dụ Kinh Phạm Võng nêu 10 nguyện chính và 48 nguyện phụ của chư Bồ-tát) đều nêu bật tính chất đại hùng, đại trí, đại từ bi của chư vị. Đại khái, ta có thể thấy có 25 đại nguyện của Bồ-tát Văn-thù, 10 hạnh nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền, 12 đại nguyện của Bồ-tát Quán Thế Âm, 12 đại nguyện của Đức Phật Dược Sư, 48 đại nguyện của Đức Phật A-di-đà.

Thệ nguyện hay hạnh nguyện thường được phân biệt theo ba trường hợp: Lời nguyện trước khi hành động, trong lúc hành động và sau khi hành động. Tất cả đều biểu lộ ý chí, quyết tâm hành động. Các thệ nguyện đều là những quyết tâm thực hiện các sự việc vô cùng lớn lao, đòi hỏi dũng khí, sự kiên trì, trí tuệ và lòng yêu thương hết thảy chúng sinh của người phát nguyện; cho nên hạnh nguyện hay thệ nguyện thường được hiểu là các đại nguyện bao gồm mọi nguyện (Đại nguyện nhiếp nhất thiết nguyện).

Có ba nội dung nổi bật trong các đại nguyện:

Nguyện chánh pháp trí (đạt trí tối thượng).

Nguyện thuyết trí (giảng giải tất cả các pháp cho chúng sinh).

Nguyện hộ pháp (hộ trì chánh pháp).

Một ý nghĩa nổi bật trong các đại nguyện là chư Bồ-tát quyết định sẽ không thành Phật nếu hết thảy chúng sinh chưa thành Phật (ví dụ như đại nguyện của Bồ-tát Đại Thế Chí), nếu địa ngục chưa trống không (ví dụ đại nguyện của Bồ-tát Địa Tạng). Và như thế, tâm của người phát nguyện phải vô cùng lớn lao, cao cả như Tứ hoằng thệ nguyện của Bồ-tát được ghi trong Đà-la-ni Tạp Tập:

1/ Tâm như đất rộng (nuôi mầm đạo của chúng sinh cho thành tựu chánh quả).

2/ Tâm như cầu thuyền (đưa chúng sinh đến bờ bên kia, bờ giác).

3/ Tâm như biển cả (chứa đựng chúng sinh, nuôi dưỡng, giúp cho thấm nhuần đạo pháp để được chứng ngộ).

4/ Tâm như hư không (rộng lớn, chứa đựng muôn vật, bình đẳng, đồng chứng pháp tính).

Tứ hoằng thệ nguyện có khi được hiểu là Bồ-tát giới, được xem là tâm nguyện cho những ai tu tập hạnh Bồ-tát. Thường nhân chúng ta chưa thể là Bồ-tát, nhưng nếu ta học hiểu và tập tành, thực hiện từng hành tác trong đời sống hằng ngày theo tinh thần hạnh nguyện Bồ-tát thì chắc chắn tâm ta được phát triển; xã hội, thế giới được an lành. Tu hạnh Bồ-tát là nhằm cứu độ chúng sinh và cũng chính là cứu độ tự mình; đúng như ý nghĩa Tứ hoằng thệ nguyệnLục tổ Huệ Năng giảng dạy rằng chúng sinh, phiền não, pháp môn, Phật đạo cũng chính là tự tâm của mỗi người.

http://tapchivanhoaphatgiao.com