Ý nghĩa của hai chữ Lăng Nghiêm và nguyên nhân nào Phật nói Chú Lăng Nghiêm?

Hỏi: Mỗi buổi sáng sớm, con thường trì tụng chú Lăng Nghiêm, nhưng con không hiểu nghĩa Lăng Nghiêm là gì? Và nguyên nhân nào mà Phật nói bài chú đó? Kính xin thầy giải thích cho con được rõ.

Đáp: Lăng Nghiêm, tiếng Phạn là Suramgama, nói đủ là “Thủ Lăng Nghiêm”, Trung Hoa dịch là “Đại Định Kiên cố”. Nghĩa là cái bản thể chơn tâm sẵn có của tất cả chúng sanh và chư Phật. Vì thể của nó rộng lớn không có giới hạn ngằn mé, bao la trùm khắp cả pháp giới, nên gọi là “Đại”. Tâm thể nầy xưa nay vốn là thanh tịnh, khôngnhiễm ô, tán loạn, thường hằng vắng lặng, không lay động dời đổi, nên gọi là “Định”. Vì tính chất của nó không dời đổi, thấu xưa suốt nay, thường hằng bất động, ở nơi thánh không tăng, ở nơi phàm không giảm, hằng hữu bất hoại, nên gọi là “Kiên cố”. Đại khái, đó là nghĩa của ba chữ “Thủ Lăng Nghiêm”, tức là “Đại Định Kiên Cố”.

Nguyên nhân Phật nói thần chú Lăng Nghiêm là vì Tôn giả A nan mắc nạn Ma đăng già. Ngài A nan bị nàng Ma đăng già dùng chú thuật Ta tỳ ca la tiên Phạm thiên ép buộc tình duyên … Lúc đó, Tôn giả A Nan rất buồn rầu, thành kính hướng về đức Phật, mong đức Phật đoái hoài thương xót cứu độ giải nạn cho Ngài. Phật biết Ngài A Nan bị nạn, nên sau khi thọ trai, Phật không thuyết pháp như thường lệ mà trở về tịnh xá ngay và rồi Ngài ngồi kiết già, trên đảnh phóng hào quang, có hoa sen ngàn cánh, trên hoa sen có đức Hóa Phật ngồi kiết già, nói thần chú Lăng Nghiêm. Phật bảo Ngài Văn Thù đem thần chú ấy đi đến chỗ nàng Ma đăng già , để phá trừ tà chú, cứu nạn cho A Nan. Ngài A nan được kịp thời cứu thoát và sau đó Phật độ luôn cho nàng Ma đăng già tu hành trở thành bậc A la hán. Đó là nguyên nhân có ra năm đệ thần chú Lăng Nghiêm mà chư Tăng Ni cũng như quý Phật tử thường trì tụng vào mỗi buổi khuya.