Ba Loại Đệ Tử  

Một thiền sư tên là Gettan sống vào khoảng cuối thời đại Ðức Xuyên (1) Gettan thường bảo: “Có ba loại đệ tử: 1) Những người truyền thiền cho những kẻ khác 2) Những người duy trì những ngôi chùa và rồi 3) Có những cái đãy gạo và những cái móc áo (2) . Gasan cũng diễn cùng một ý đó. Gasan học với Tekisui. Thầy của Gasan rất nghiêm khắc, có khi đánh đập cả Gasan. Các đệ tử khác không thể chịu nổi cách dạy này nên rút lui đi nơi khác. Gasan ở lại, nói: “Một đệ tử kém làm lợi cho tài năng của thầy. Một đệ tử giỏi lớn mạnh dưới kỹ luật của thầy.

Chú thích:

(1)Thời đại Tokugawa ( Ðức Xuyên ) ở vào thời kỳ Giang Hộ, mạc phủ trong lịch sử Nhật Bản; trị vì từ năm 1596 đến 1745 qua 8 triều đại trường kỳ trong hơn 150 năm khởi đầu là Ðức Xuyên Gia Khang (1596 –1605) và chấm dứt là Ðức Xuyên Cát Tông (Tokugawa Yoshimune: 1716 – 1745).

(2) Những cái đãy gạo và những cái móc áo ý nói người vô tích sự ở chùa chỉ tốn cơm tốn áo, không làm gì lợi đạo giúp ích cho đời. Ðây chỉ cho những kẻ lười biếng ăn rồi cứ nằm dài suốt ngày không chịu làm việc, tốn hao của tín thí.

Câu hỏi gợi ý

1) Thử so sánh 3 loại đệ tử của Gettan và Gasan ra sao?

2) Bạn nghĩ sao cách dạy đạo của thiền sư Tekisui? Gasan là một đệ tử trung thành với thầy mình?

3) Gọi hạng đệ tử túi gạo, và móc áo là thế nào? Có giống” một đệ tử kém cõi ” như Gasan ví dụ không?

4) Nếu găp phải một vị thầy nghiêm khắc la mắng, đánh đập bạn xử trí ra sao?

5) Trò phải hơn thầy tông môn mới rạng rỡ, đạo pháp mới hưng hiển. Bạn đồng ý?

NHẬN XÉT GÓP Ý

1) Ðứng về mặt tục đế (thế tục) mà nói thì quả có ba hạng đệ tử như thế, cho dù họ đã khác tục và bước vào nơi không môn, nhưng tâm trần còn nhiễm nên vẫn cứ phải tu sửa liên tục mới có thể khá hơn và dần dần đi vào nề nếp. Ðứng về mặt chân đế đó là 3 giai đoạn trên tiến trình tu tập: đầu, giữa và cuối. Hạng đệ tử thứ ba của Gettan so với hạng thứ nhất của Gasan là những người sơ tâm, mới nhập môn chưa dồi dào kinh nghiệm tu tiến. Thành phần đệ tử thứ hai của Gettan so với thứ ba của Gasan là giai đoạn giữa vô cùng quan trọng trong sự nghiệp tịnh hóa thân tâm đạt tới giải thoát. Hạng thứ ba của Gettan so với hạng thứ hai của Gasan là giai đoạn cuối trong việc tu tập. Bao nhiêu nghiệp chướng đổ dồn vào thời điểm sau rốt này để thử thách người tu có chân chánh hay không.

2) “Thuốc đắng đả tật” là câu tục ngữ quen thuộc trên đầu môi của mọi người, có nghĩa muốn trị dứt bệnh phải chịu khó uống thuốc đắng khó nuốt. Thế thì việc dạy đạo nghiêm khắc của một thiền sư có gì là đáng phàn nàn? Có điều là việc giáo dục của thầy có họp nhân duyên cho hàng đệ tử lãnh hội được hết tôn ý không? Nếu là một bậc thầy có tầm vóc ta nên bái phục sát đất, cho dù có bị nhiều trận đòn chí tử vẫn hoan hỷ chấp nhận sự dạy dỗ bảo ban khuyến tấn. Có nhiều lúc đệ tử còn thèm muốn được nghe những lời quở trách, thích đón nhận những cú tát nẩy lửa để cho mình nên thân từ đó. Gasan là một đệ tử trung thành với thầy, nếu có thể tạm gọi thế.

3) “Có thực mới vực được đạo” hẳn chủ trương này hợp với hạng đệ tử túi cơm và giá áo chăng? Có điều là bốn ân mà người xuất gia phải lo đền trả suốt đời chưa xong thì tại sao còn có hạng người bất hảo như thế nương náu cửa chùa? “Con sâu làm rầu nồi canh”, chắc chắn trong giới thiền gia không loại khỏi được hạng giá áo túi cơm mà thời nào cũng có. Hay đó cũng chính là tên tham lam đang chờ sẵn trong mọi người? Nếu không cẩn thận khéo léo, ta chính là tên đạo tặc đang rình rập trong thánh địa già lam! Ở đây không có việc so sánh.

4) Sao không đặt hẳn vấn đề: tại sao thầy la mắng, quở phạt và đánh đập? Nếu giải đáp được thỏa đáng vấn đề nêu ra là đã phần nào giúp ta hiểu được tâm cảnh của vị thầy. Ðã làm thầy hẳn muốn cho đệ tử nên người. Nếu phải ra tay cũng chỉ là vạn bất đắc dĩ. Ta không sợ những cú đánh như trời giáng, cũng như không hề nao núng truớc cơn thịnh nộ rùng rợn như muốn ăn tươi nuốt sống đệ tử của thầy mà chỉ sợ mình ươn hèn, hư đốn không đủ trí khôn đón nhận được những chiêu pháp tuyệt luân ấy để cải hóa thân tâm mà thôi.

5) Ðừng sợ tài đức mình không được nhiều người biết đến. Người thực sự có tài đức như hoa thơm quí ai lại không ưa thích lấy dùng. Thế thì luận hơn hay kém ở trường hợp này để làm gì?

 Nguồn:tuvienquangduc.com.au