Con Người Vốn Có Nguồn Gốc Từ Cõi Trời

Tôi được nghe giảng rằng con người vốn có nguồn gốc từ cõi trời. Không biết kinh nào nói như thế, và nếu thế thì không phù hợp với với kiến thức ngày nay. Tôi cũng nhận thấy vài chỗ trong các kinh nêu những sự việc khó hiểu, khó kiểm chứng, gây thắc mắc, hoang mang cho những Phật tử như tôi. Xin được giải thích và cho lời khuyên.

T. Kh. N, phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9, T/P Hồ Chí Minh

Chúng tôi nghĩ, kinh nêu sự việc trên là kinh Khởi Thế Nhân Bổn (Agganna Suttanta), số 27 của Trường Bộ (Digha Nikaya), kinh tương đương là Tiểu Duyên, số bảy của Trường A Hàm. Kinh này đả phá quan niệm giai cấp Bà la môn là tối thượng và bảo rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, giai cấp nào cũng có người tốt, kẻ xấu; người tối thượng là người có trí tuệ, đức hạnh cao vời, là bậc A-la-hán, xuất thân từ bất cứ giai cấp nào. Để dẫn giải thêm, kinh kể rằng chư thiên từ cõi trời Quang Âm vốn do ý sinh, tinh khiết, tự sống bằng h lạc, là những chúng sinh đầu tiên đến trái đất khi chưa có chúng sinh nào tại đây. Sau đó tham dục khởi lên cùng với sự chuyển biến của cõi này, thân thể các vị này trở nên thô nặng, tâm trở nên si muội, tham ăn uống, chuộng sắc đẹp, nuôi lớn cái ngã ảo tưởng, phân biệt “tôi và của tôi”, phân biệt nam nữ, phát triển nhục dục, sự tranh đoạt, sân hận, tội ác, hình phạt, gây ra khổ não… Đây là sự giải thích rằng dục áinguyên nhân của khổ (là Tập đế của Tứ đế). Ái cũng là một chi phần của 12 nhân duyên gây khổ, tạo sinh tử, luân hồi, là lý do hiện hữu của con người và của hết thảy chúng sinh. Cách giải thích như thế hoàn toàn không dính dáng gì đến cách giải thích của khoa học vật lý, thiên văn, sinh học… về nguồn gốc của sự sống, của con người. Nó phù hợp với giáo lý Tứ đế, Thập nhị nhân duyên của Đức Phật.

Theo chúng tôi, những chỗ trong một số kinh gây thắc mắc, nghi ngờ cho người đọc thuộc năm lý do chủ yếu sau đây:

1/ Có sự thêm thắt, ngụy tạo về sau, sưu tập, sao chép sai sót, dịch thuật không đúng.

2/ Ý nghĩa sâu xa, khó nắm bắt.

3/ Diễn tả theo cái thấy của bậc Giác ngộ, theo cảnh giới không thuộc thế giới hiện tại của chúng ta.

4/ Thể hiện mật pháp, diệu pháp của Đức Phật

5/ Cách diễn đạt, việc sử dụng thuật ngữ trong nguyên bản hay trong dịch bản còn xa lạ đối với phần đông độc giả ngày nay.

Ta nên biết rằng Đức Phật thường phê bác những câu hỏi do suy luận sai lầm như hỏi về nguồn gốc, về thường hằng, về tuyệt đối… mà người hỏi không thể lĩnh hội được câu đáp, chỉ gây thêm rối rắm, phiền não, không liên hệ gì đến sự thoát khổ. Ngài không hề tỏ ra là nhà khoa học nhằm vào các sự vật được nhìn thấy bằng cái tâm vọng động của con người. Ngài chỉ giảng giải về sự thoát khổ. Đôi khi Ngài dẫn chứng một số điều theo sự tin tưởng của người Ấn Độ thời bấy giờ. Sự tin tưởng này có thể không đúng (theo một số phong tục, tập quán, truyền thuyết, huyền thoại…), nhưng không phạm đến điều mà muốn Ngài giảng dạy, lại giúp người nghe theo dõi được nội dung giảng dạy của Ngài.

Lời khuyên cuối cùng có lẽ là: Mỗi khi chưa hiểu một đoạn kinh, ta hãy:

1/ Xem lại năm lý do đã nêu trên.

2/ Chưa vội xét đoán, hãy suy nghĩ thêm, hãy hỏi han, trao đổi với các thiện tri thức.

3/ Hãy nhận định xem ý nghĩa của đoạn kinh có phù hợp với giáo lý cứu khổ của Đức Phật không, có mang lại sự an tâm cho người đọc không, nếu có thì nên bỏ qua những chỗ mà ta cho là không rõ ràng hay không đúng.

http://tapchivanhoaphatgiao.com