Khuyên Người Đang Làm Quan Về Sự Dâm Dục

Cùng là con người với nhau, có kẻ làm việc bằng tâm trí, có kẻ làm việc bằng sức lực tay chân; có người được giàu sang vinh hiển tôn quý, có kẻ phải nghèo hèn đói khổ khốn cùng, lẽ nào lại do đạo trời không công bằng hay sao?

Đó chẳng qua do chính mỗi người tự chuốc lấy mà thôi. Kinh Thi nói rằng: “Vĩnh viễn [làm điều gì cũng] hợp với mệnh trời, biết tự [sửa mình] cầu được nhiều phúc lành.” Kinh Dịch nói: “Nhà làm nhiều việc thiện ắt có thừa niềm vui.” Những người đời nay được giàu sang phú quý, nói chung đều là nhờ đời trước đã từng tu tạo phúc đức. Con cháu được hưởng vinh hoa, đều là nhờ cha ông có nhiều ân trạch để lại.

Những việc như thế vốn là lẽ đương nhiên. Chỉ có điều là trong khi được hưởng phúc, nếu lại tiếp tục tu tạo phúc đức, ắt sẽ như người làm ruộng, mỗi năm đều được thu hoạch thì mỗi năm cũng đều gieo trồng. Bằng như cậy vào quyền thế hiện nay mà hống hách, buông thả phóng túng theo những chuyện trăng hoa sắc dục, đó chẳng phải là [như Mạnh tử nói,] được tước vị của người mà lại vất bỏ tước vị của trời đó sao?

Điều khó khăn ở đây là, gặp hoàn cảnh thuận lợi thì thường vui mừng, vui mừng ắt thường quên mất tâm thiện, khôngtâm thiện thì tâm tham dâm sinh khởi. Nếu vào lúc ấy mà có thể hốt nhiên phản tỉnh, tâm địa sáng suốt, ắt sẽ bồi đắp được nền phúc sâu dày.

Tào Văn Trung công 

Trong khoảng niên hiệu Tuyên Đức, Tào Nãi giữ chức Thái Hòa Điển Sứ. Nhân một lần truy bắt bọn cướp trong đêm, giải cứu được một cô gái đẹp bị chúng giam giữ nơi nhà trọ. Cô gái ấy có ý thân cận, muốn gần gũi ông. Tào Nãi nói: “Ta làm sao có thể xâm phạm đến con gái nhà lành trong trắng?” Liền lấy ra một mảnh giấy, ghi vào bốn chữ “Tào Nãi không thể” rồi đốt đi. Suốt đêm ấy ông không hề động tâm. Sáng ra, ông sai người tìm gọi gia đình cô gái ấy đến nhận con về.

Về sau, Tào Nãi tham gia Điện thí, đang làm bài bỗng có cơn gió thổi bay đến trước mặt ông một mảnh giấy, trên đó thấy ghi rõ bốn chữ: “Tào Nãi không thể”. Ngay lúc đó, ông bỗng thấy tinh thần sáng suốt, ý văn dồi dào tuôn tràn. Kỳ thi ấy ông đỗ Trạng nguyên.