Quán Bất Tịnh

HỎI:Xin cho biết tổng quan về phương pháp quán bất tịnh.  (ĐỨC NAM, Tân Mỹ, Đức Hòa,Long An; tuthian…@ yahoo.com.vn)

ĐÁP: Bạn Đức Nam và tuthian… thân mến!

Quán bất tịnh là một pháp quán quan trọng trong Ngũ đình tâm quán, tức năm phương thức quán chiếu giúp chế ngự tâm, đình chỉ vọng tưởng. Quán bất tịnh tập trung quán sát để thấy rõ thân thể vốn bất tịnh, không sạch nhằm xả ly tham dục, ái nhiễm và đắm trước. Người tham dục nhiều nên tu quán bất tịnh.

Quán sát ngay trong thân thể của mình từ chân lên đến đầu đầy dẫy những vật bất tịnh gồm: tóc, lông, móng, răng, da mỏng, da dày, máu mủ, thịt, gân, mạch, xương, tủy, gan, phổi, tim, lá lách, dạ dày, đồ ăn, ruột non, ruột già, phẩn, nước tiểu, nước mũi, nước miếng, mồ hôi, nước mắt, ghèn, ráy tai, cáu bẩn, óc, bong bóng, mật đàm, bầy nhầy, mỡ, mỡ sa, màng óc. Ðó là ba mươi sáu vật bất tịnh trong thân. Quán sát thân này như một túi da, bên trong chứa đựng đầy dẫy những đồ bất tịnh.

Quán bất tịnh bằng phương thức cửu tưởng quán, tức quán sát tử thi theo thứ tự: 1. Quán thây mới chết bầm xanh; 2. Lần lần sình trương;  3. Kế đến nứt nẻ;  4. Máu chảy ra;  5. Rục rã;  6. Lầy thúi; 7. Giòi, thú đục, ăn;  8. Xương mục;  9. Tiêu rụi.  Ðó là quán Cửu tưởng bất tịnh. Theo Thanh tịnh đạo luận: Khi một thiền giả muốn tu tập phép quán bất tịnh về một tử thi mới chết bầm xanh, cần phải thọ giáo với một vị thầy am tường về đề tài này. Lúc đi đến nghĩa địa hay nơi có tử thi, hành giả phải thưa với một vị Thượng tọa hay một Tỳ kheo khác biết việc mình làm, và nên đi theo hướng trên gió để tránh hôi thối làm cho mình nôn mửa. Tử thi thích hợp phải là tử thi của người cùng phái. Khi đã đến nơi, hành giả phải đứng đối diện với tử thi ở một khoảng cách vừa tầm nhìn rõ, không xa quá, cũng không gần quá. Thế rồi, hành giả chú tâm trên đối tượng ấy với các yếu tố: 1. Theo màu sắc của nó; 2. Theo đặc điểm của nó; 3. Theo hình dáng; 4. Phương hướng; 5. Ðịnh xứ; 6. Giới hạn của nó. Nhưng nếu quán tưởng theo các cách trên mà tướng thây chết bầm xanh không xuất hiện, thì hành giả nên quán tưởng theo 5 cách khác nữa: 7. Những khớp xương; 8. Những chỗ mở ra; 9. Những chỗ lồi; 10. Những chỗ lõm; 11. Xung quanh bốn phía. Theo những cách này, hành giả chú tâm vào tử thi, thầm nhủ: “Tướng bầm xanh, tướng bầm xanh”, cho đến khi nào hình ảnh tử thi bầm xanh hiện rõ trong tâm hành giả. Nếu tướng ấy vẫn chưa hiện rõ, hành giả phải lặp đi lặp lại nhiều lần: “Bất tịnh là tướng bầm xanh, bất tịnh là tướng bầm xanh”, và nhắm mắt lại tưởng đến tướng ấy cho đến khi nào tướng tử thi bầm xanh hiện ra trước mắt, dù hành giả mở mắt nhìn hay nhắm mắt.

Các tướng tử thi khác như phình trương, nứt nẻ, lầy thúi v.v… cũng áp dụng tương tự như thế, chỉ cần đổi danh từ “bầm xanh” bằng danh từ thích hợp với tình trạng tử thi mà mình đang quán tưởng.

Theo Trí Khải đại sư, tùy theo nghiệp lực của mỗi người mà ứng dụng một pháp quán bất tịnh thích hợp. Nếu người yêu sắc đẹp nên tập quán thây chết bầm xanh, những sắc bất tịnh vàng, đỏ cũng như vậy. Nếu người yêu dáng điệu nên tập quán thây chết sình trương và nứt nẻ. Nếu người yêu dung mạo nên tập quán thây chết máu chảy và rục rã. Nếu người yêu âm thanh, tập quán người khi sắp chết, cổ nấc lên và tắt thở. Nếu người yêu bóng láng nên tập quán bộ xương và người bệnh khô gầy. Nếu yêu toàn bộ nên quán cả chín thứ. Hoặc khi quán các thứ này, lại khi quán các thứ khác, đều gọi là quán bất tịnh (Thiền căn bản, HT.Thích Thanh Từ dịch).

Tuy pháp quán bất tịnh này được chia thành nhiều loại nhưng đều có cùng một đặc tính, đó là trạng thái không sạch, hôi hám, đáng ghê tởm của thân thể. Không những tử thi mới gọi là bất tịnh, mà một cơ thể sống cũng mang đầy đủ tính chất bất tịnh như một xác chết, chỉ khác một điều là tính chất bất tịnh nơi cơ thể sống không được rõ rệt, vì nó may mắn được che giấu dưới những lớp trang sức khả ái.

Quán bất tịnh để thấy rõ bản chất đích thực của thân xác: Nó là sự tích tụ của hơn 300 cái xương được nối lại với nhau bởi 180 khớp dính liền nhờ 900 cái gân, trét đầy khắp với 900 miếng thịt, được bọc bằng lớp da trong ẩm ướt, bao ngoài với lớp da có những lỗ rải rác đó đây, luôn luôn tiết ra như một cái bình dầu mà trong đó cả một tập thể vi trùng cư trú. Ðó là cái nhà của tật bệnh, nền tảng của những trạng thái đau khổ, luôn luôn rỉ ra từ 9 lỗ như một ung nhọt kinh niên. Nơi 2 con mắt ghèn chảy; nơi 2 lỗ tai thì cứt ráy; từ 2 lỗ mũi là nước mũi; từ miệng là thức ăn, mật, đàm, máu; từ 2 lỗ bài tiết bên dưới là phân và nước tiểu và từ 99.000 lỗ chân lông tiết ra chất mồ hôi, với ruồi nhặng bu quanh. Cái thân xác này, nếu không được tắm rửa, chăm sóc, khoác y phục bên ngoài, thì xét về tính chất đáng tởm, một ông vua cũng không khác gì người hốt rác. Nhưng nhờ đánh răng, súc miệng, nhờ thoa ướp bằng những hương hoa và y phục mà nó biến thành một trạng thái được xem là tôi và của tôi. Cứ thế, đàn ông say đắm đàn bà, đàn bà say đắm đàn ông, mà không nhận thức cái thực chất dơ bẩn của cơ thể được che đậy bằng những trang sức mong manh. Trong ý nghĩa tối hậu, thật không có một chỗ nào trên thân xác, dù nhỏ như hạt bụi, đáng để mà tham đắm.

Khi có một mẩu nhỏ nào nơi thân xác như tóc, lông, răng, móng rơi ra, thì người ta sẽ không dám động tới, mà còn cảm thấy ghê tởm. Vậy mà, khi chúng còn ở trong thân xác – thì mặc dù vẫn đáng ghê tởm – người ta lại xem là dễ chịu, đáng ham muốn, trường cửu, khả ái, tự ngã v.v… Bởi vì bị trùm kín trong màn tối vô minh, bị nhuốm đầy tham ái đối với tự ngã, mà người ta đã nhận thức sai lạc như thế.

Do vậy, một Tỳ kheo có khả năng nên nắm lấy bất cứ tướng bất tịnh nào khi thấy chúng hiển lộ, để làm một đề mục thiền quán, hầu đạt đến định tâm (Thanh tịnh đạo luận toản yếu, Thích Phước Sơn soạn dịch).

Chúc các bạn tinh tấn!

Nguồn: giacngo.vn