Chùa Từ Ân

● Cũng gọi là Đại Từ-ân, là ngôi chùa cổ tọa lạc tại phía Nam thành Tây-an, tỉnh Thiểm Tây, tức trong phạm vi kinh đô Trường-an xưa. Chùa này nguyên được xây cất từ thời đại nhà Tùy, tên là Vô-lậu (có thuyết nói là chùa Tịnh-giác). Năm 648 (dưới triều vua Đường Thái-tông), thái tử Lí Trị (sau này là vua Đường Cao-tông), vì muốn báo đáp từ ân cho mẹ là hoàng hậu Văn Đức, đã ra công xây lại ngôi chùa Vô-lậu ấy, to lớn hơn, mĩ lệ hơn, và đổi tên thành Từ-ân tự. Chùa chia ra hơn 10 viện, gồm hơn 1.000 gian, trang nghiêm tráng vĩ. Chùa xây cất xong, thái tử thân hành đến lễ Phật, và sắc độ 300 vị tăng, cung thỉnh 50 vị danh đức về cư trú để trông coi Phật sự và giảng dạy cho tăng chúng. Ngài Huyền Trang (du học Ấn-độ về nước từ năm 645) được cung nghinh lên địa vị thượng tọa, vừa chỉ đạo mọi việc tổng quát trong chùa, vừa phiên dịch kinh điển. Ở góc Tây Bắc của chùa có xây Phiên-kinh viện, tất cả các kinh, tượng cùng xá lợi do ngài Huyền Trang mang từ Ấn-độ về, đều được trưng bày nơi đó. Tại viện Phiên-kinh này, ngài Huyền Trang đã dịch được hơn 40 bộ kinh luận, gồm hơn 400 quyển, được người đương thời xưng là Từ Ân tam tạng. Ngài cũng xây một ngôi tháp gạch, 5 tầng, 4 mặt, cao 300 thước (tức gần 100 mét), người đời sau gọi đó là tháp Đại-nhạn. Ngài Huyền Trang viên tịch, đệ tử lớn của ngài làKhuy Cơ kế thế, đã sáng lập tông Pháp Tướng tại chùa này, được người đời xưng là Từ Ân đại sư. Về sau, trải qua nhiều tai biến, chùa bị hư nát điêu tàn, chỉ có ngôi Đại-nhạn tháp là còn nguyên vẹn. Đến đời vua Khang Hi nhà Thanh (1662-1722), chùa mới được trùng tu, hiện còn đến ngày nay.

This entry was posted in . Bookmark the permalink.