Đạo An

● (312-385) là một vị cao tăng lỗi lạc, có đóng góp rất lớn trong lịch sử Phật Giáo Trung Quốc. Ngài có họ ngoài đời là Vệ, người xứ Phù Liễu, Thường Sơn (nay thuộc tỉnh Hà Bắc), là người đi tiên phong trong nghiên cứu học thuyết Bát Nhã tại Trung Quốc, được pháp sư Cưu Ma La Thập tôn xưng là Đông Phương Thánh Nhân. Ngài mồ côi từ bé, được người anh họ nuôi dưỡng. Tuy diện mạo xấu xí, nhưng Ngài thông minh tột đỉnh, mới lên bảy đã biết đọc, sách nào cũng chỉ cần đọc hai lượt là thuộc nằm lòng. Ngài xuất gia năm 12 tuổi. Do bổn sư của Ngài thấy Ngài quá xấu xí, không coi trọng, sai trông coi việc cày bừa. Ngài chăm chỉ cày cấy suốt ba năm rồi mới xin học kinh Phật. Thầy thuận tay trao cho cuốn Biện Ý Kinh năm ngàn chữ, Sư chỉ học trong một buổi nghỉ trưa mà thuộc lòng, thông hiểu nghĩa kinh. Đến tối trả lại kinh cho thầy, xin học bộ khác, thầy tức giận quở trách, Sư bèn đọc thuộc lòng và còn giảng được ý nghĩa. Thầy thử sức, trao cho bộ Thành Cụ Quang Minh Kinh một vạn chữ. Sư lại học thuộc lòng trong lúc nghỉ trưa ngày hôm sau. Thầy kinh ngạc, bèn chú tâm bồi dưỡng Sư Thành nhân tài hoằng pháp. Khi ngài Phật Đồ Trừng từ Thiên Trúc đến Nghiệp Quận, Sư theo học với ngài Phật Đồ Trừng, rất được ngài Phật Đồ Trừng ưa thích. Do diện mạo xấu xí, đại chúng vẫn có ý coi thường Sư. Do vậy, ngài Phật Đồ Trừng mỗi lần giảng kinh xong, đều yêu cầu pháp sư Đạo An giảng lại, Sư giảng không sai một chữ, khiến đại chúng bội phục. Sư được vua chúa thời ấy rất trọng. Vua nhà Tiền Tần là Phù Kiên đã nói“Ta đem 10 vạn quân đánh Tương Dương chỉ để lấy được một người rưỡi, một người là ngài Đạo An, còn Tập Tạc Xỉ là nửa người” (Tập Tạc Xỉ là một văn nhân kiêm sử gia trứ danh thời ấy). Ngài là người đề xướng phương pháp “cách nghĩa” để giải thích kinh Phật, tức là dùng ngay những tư tưởng và điển cố sẵn có của Trung Hoa để giải thích những nghĩa lý phức tạp trong kinh Phật. Ngài còn đề xướng khi giảng giải một bản kinh, nếu có nhiều bản dịch thì sẽ đối chiếu, so sánh để hiểu trọn vẹn bản kinh ấy. Ngài đề xướng chia một bản kinh ra thành ba phần Tự, Chánh Tông và Lưu Thông, cũng như chế định nghi thức, phẩm phục của tăng sĩ cho thích hợp với văn hóa Trung Hoa, đề xướng Tăng sĩ dùng chữ Thích trước pháp danh v.v…

This entry was posted in . Bookmark the permalink.