Phiền Não

● (Klésa (S). Passions (F), là tiếng gọi tổng quát chỉ cho những hiện tượng tâm lí xấu xa, sai lầm, là động lực thúc đẩy con người gây nên mọi điều tội lỗi về cả ba nghiệp thân, miệng và ý; khiến cho thân tâm lúc nào cũng vọng động, lầm lạc, đau khổ, lo buồn, xao xuyến, bất an. Là những gốc ô nhiễm trong tâm, những trạng thái tâm làm động lực thúc đẩy chúng ta làm các hành động bất thiện. Trong tâm một con người bình thường phiền não tồn tại dưới rất nhiều hình thức và cung bậc khác nhau. Nó thường được rút gọn thành ba loại phiền não cơ bản là tham, sân và si như là nguồn gốc của tất cả các loại phiền não.

Phiền não có những tên gọi khác là: sử (đeo đuổi, sai khiến, thôi thúc chúng sinh gây nghiệp ác), lậu (làm cho chúng sinh lọt vào vòng sinh tử luân hồi), kết (thắt buộc, kết tụ), hoặc (sai lầm), cấu (dơ bẩn), nhiễm (ô uế), tùy miên (đeo dính khiến chúng sinh lúc nào cũng ở trong trạng thái hôn muội trầm trọng), triền (quấn chặt, trói buộc), cái (che lấp), thủ (giữ chặt), bạo lưu (cuốn trôi), trần cấu (bụi bẩn).

Trạng thái tồn tại căn bản của phiền não được gọi là lậu hoặc (āsava), nghĩa là những gì bị tiết ra, rỉ ra như mủ rỉ ra từ vết thương. Lậu hoặc là những thứ cần phải đoạn trừ để đạt tới giác ngộ giải thoát. Do đó, phẩm chất tâm linh cốt yếu và cao cả nhất của một bậc thánh Alahán là āsavakkhaya, lậu tận. āsavadịch ra theo nghĩa đen là phiền não tùy miên (phiền não ngủ ngầm – anusaya kilesa), ám chỉ những gốc ngủ ngầm nằm ẩn trong những tầng mức sâu kín nhất của tâm. Những gốc ngủ ngầm này cực kỳ vi tế và khó quan sát, nhưng luôn chờ cơ hội để hiển lộ ra thành các loại phiền não, chi phối những hành động về thân, khẩu, ý của chúng ta.

Mục đích tối cao của người tu học Phật là giác ngộ giải thoát; vậy, tất cả những gì làm cho chúng sinh bị chướng ngại trên bước đường tiến tới đạo quả giác ngộ giải thoát, đều được coi là phiền não.

Tùy Miên là những phiền não đeo đuổi chúng sinh, ngủ ngầm trong thức A-lại-da, khi đủ nhân duyên thì hiện khởi. Hai mươi loại phiền não tùy miên là:

  1. Bất định địa tùy miên: Phiền não ở cõi Dục. Bất định địa chỉ cho cõi Dục, là cõi tán loạn; nghĩa là người ở cõi Dục vì không tu thiền định nên bị phiền não của các căn theo đuổi không bỏ.
  2. Định địa tùy miên: Định địa chỉ cho cõi Sắc và cõi Vô sắc; nghĩa là người ở 2 cõi này tuy tu thiền định, xa lìa các khổ của cõi Dục, nhưng vẫn còn bị các phiền não: tham, si, ái và mạn theo đuổi, không bỏ.
  3. Tùy trục tự cảnh tùy miên: Phiền não theo đuổi tự cảnh. Trong 3 cõi, mỗi cõi đều có cảnh sở nhiếp riêng, tùy theo các căn khởi diệt mà sinh ra các phiền não kiến chấp, đeo đuổi liên tục không ngừng.
  4. Tùy trục tha cảnh tùy miên: Phiền não theo đuổi cảnh khác. Nghĩa là ở cõi Sắc mà khởi phiền não cõi Dục, hoặc ở cõi Vô sắc mà khởi phiền não cõi Sắc, hoặc ở cõi Dục mà ưa thích thiền định của 2 cõi trên, sinh ra đắm trước, không biết xa lìa. 5. Bị tổn tùy miên: Bị tổn hại bởi tùy miên; nghĩa là chúng sinh luôn luôn bị các phiền não của cõi Dục làm tổn hại, vì các phiền não ấy thường ngấm ngầm theo đuổi không thôi.
  5. Bất bị tổn tùy miên: Không bị tổn hại bởi tùy miên; nghĩa là người đã sinh lên cõi Sắc nên không còn bị phiền não của cõi Dục làm tổn hại; hoặc chưa lìa cõi Dục, tuy phiền não thường ngấm ngầm đeo đuổi nhưng không gây tổn hại.
  6. Tùy tăng tùy miên: Tùy Miên tăng theo; nghĩa là chúng sinh trong 3 cõi đều khởi phiền não ở nơi cảnh của mình, tùy thời mà các phiền não ấy tăng trưởng, đeo đuổi ngầm không thôi.
  7. Bất tùy tăng tùy miên: Tùy Miên không tăng theo; nghĩa là người trong thiền định ở cõi Sắc và cõi Vô sắc, không theo cảnh khác nên phiền não không tăng thêm, nhưng vì phiền não chưa bị đoạn trừ nên vẫn ngầm đeo đuổi, không rời bỏ.
  8. Cụ phần tùy miên: Tùy Miên toàn phần; nghĩa là chúng sinh đối với tất cả trần cảnh khởi lên đủ các phiền não tham, sân, si… không thiếu một phần nào.
  9. Bất cụ phần tùy miên: Tùy Miên không đủ phần; nghĩa là bậc Thánh Sơ quả Thanh văn (quả Tu đà hoàn) tuy đã dứt hết Kiến hoặc trong 3 cõi, nhưng còn Tư hoặc thì chưa dứt được toàn phần, nên gọi là Bất cụ phần tùy miên.
  10. Khả hại tùy miên: Tùy Miên có thể gây hại; nghĩa là bậc Thanh văn tu đạo phẩm (37 đạo phẩm), tuy đã dứt hết Kiến hoặc và Tư hoặc mà chứng niết bàn, nhưng tập khí vô minh vẫn còn đeo đuổi ngầm, không rời, nên có thể gây tổn hại.
  11. Bất khả hại tùy miên: Tùy Miên không thể hại; nghĩa là chúng sinh phàm phu không tu 37 đạo phẩm, không đoạn trừ phiền não hoặc nghiệp, cho nên phiền não theo đuổi không thôi.
  12. Tăng thượng tùy miên: Tùy Miên thêm lên; nghĩa là các phiền não tham, sân, si… dần dần tăng thêm lên, theo đuổi không rời.
  13. Bình đẳng tùy miên: Tùy Miên bình đẳng; nghĩa là các phiền não tham, sân, si… cùng khởi lên 1 lúc, theo đuổi không ngừng.
  14. Hạ liệt tùy miên: Tùy Miên thấp kém (nhỏ nhẹ); nghĩa là người tu hành cầu ra khỏi cõi Dục, tâm niệm đối với các trần cảnh yếu kém, nên gọi là Hạ liệt tùy miên.
  15. Giác ngộ tùy miên: Tùy Miên được giác ngộ; nghĩa là người có khả năng biết tất cả phiền não và nghiệp quả đồng thời trôi lăn, tuy biết như thế nhưng chưa thể đoạn trừ được, cho nên gọi là Giác ngộ tùy miên.
  16. Bất giác ngộ tùy miên: Tùy Miên không được giác ngộ; nghĩa là hết thảy phiền não trói buộc, đeo đuổi căn thức, không lìa bỏ nhau, vậy mà con người không hề hay biết nên gọi là Bất giác ngộ tùy miên.
  17. Năng sinh đa khổ tùy miên: Tùy Miên hay sinh nhiều khổ; nghĩa là các phiền não tham, sân… của cõi Dục hay sinh ra nhiều đau khổ.
  18. Năng sinh thiểu khổ tùy miên: Tùy Miên hay sinh ít khổ; nghĩa là người ở trong thiền định của cõi Sắc và cõi Vô sắc tuy không có các khổ của cõi Dục, nhưng vẫn còn tâm ưa thích cõi trên, nhàm chán cõi dưới, đó cũng là phiền não, cho nên gọi là Năng sinh thiểu khổ tùy miên.
  19. Bất năng sinh khổ tùy miên: Tùy Miên không thể sinh khổ; nghĩa là hàng Bồ tát tuy đã lìa các khổ, nhưng vẫn còn tâm tự hành lợi tha và đó cũng là phiền não.
This entry was posted in . Bookmark the permalink.