XIN CHO BIẾT VỀ LỄ TRƯỜNG KỲ

Trường là chỗ đất rộng, kỳ là cầu phước. Trường kỳ là một cuộc pháp hội lớn, ở đó có các tu sĩ tham cứu về tam học giới, định, huệ. Trong lễ này, tu sĩ truyền giới cho Phật tử, hoặc tu sĩ thọ giới cao truyền cho tu sĩ thọ giới thấp hơn, Phật tử thọ giới. Lễ này còn gọi là giới đàn. Xưa kia, giới đàn được tổ chức ngay sau lễ trường hương kết thúc.

Theo quy định, giới đàn phải lập trước chùa. Thời gian tổ chức dài nhất là bảy ngày. Có hai loại giới đàn: đại giới đàn (đàn truyền giới tỳ kheo, thọ 250 giới) và tiểu giới đàn (đàn truyền giới sa di, thọ 10 giới). Đại giới đàn bắt buộc phải tổ chức lễ tại nhà truyền giới trước sân chùa, còn tiểu giới đàn có thể tổ chức bên trong chùa.

Giới đàn nào cũng có ba vị tôn sư và bảy vị tôn chứng, nên gọi “tam sư, thất chứng”. Tam sư ngồi trên cao, thất chứng ngồi phía dưới. Ban tổ chức gồm có ban Chức sự và ban Tổ chức bên ngoài. Hòa thượng đứng đầu làm chủ lễ trong một trường kỳ được gọi là chủ kỳ. Yết Ma a-sà-lê sư truyền giới cho người thọ giới. Giáo thọ dạy và trao lại ý kiến cho người thọ giới.

Thông thường, trong một trường kỳ có ba hàng giới tử (người thọ giới) nên có tên gọi Đại thí tam đàn giới thể, thọ ba đàn giới khác nhau: thọ Sa Di (10 giới), thọ Tỳ kheo (250 giới), thọ Bồ tát giới (10 giới trọng và 48 giới khinh). Trước giai đoạn chấn hưng Phật giáo (1920 – 1930), tại các trường kỳ, khônglễ thọ giới cho giới đàn ni, vì số lượng ni chúng ít ỏi. Phải đến khi có phong trào chấn hưng Phật giáo, tổ chức giáo hội Ni giới Bắc tông được thành lập, mới có lễ truyền giới dành cho Sa di ni, Thức xoa ma na ni và Tỳ kheo ni.

Thời gian tổ chức trường kỳ, thông thường có dành một đêm để đọc giới luật cho người thọ giới nghe, gọi là lễ Bố Tát. Kết thúc giới đàn, người thọ giới được phát giấy chứng nhận, gọi là điệp đàn. Trước đây, điệp đàn thường ghi bằng chữ Hán. Thời thực dân Pháp xâm lược, điệp ghi hai loại chữ Việt và Hán song song. Sau này, điệp đàn được ghi hoàn toàn bằng chữ Việt. Các chức vị Yết Ma, Giáo Thọ là nhiệm vụ được đề cử trong trường kỳ, nhưng khi mãn trường kỳ trở về, thường cả làng ăn mừng, xem như đây là một chức sắc. Theo Trịnh Hoài Đức, năm Gia Long thứ 18 (1819), giới đàn đã được mở rộng tại chùa Giác Lâm, thiện nam tín nữ đến quy y rất đông.